Sở Công Thương được giao chủ trì việc kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản

23/07/2021 - 14:07

BDK.VN - Ngày 23-7-2021, Tiểu ban Hậu cần phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh họp trực tuyến với các huyện, thành phố về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ hàng nông sản trên địa bàn tỉnh.

Tại đầu cầu Văn phòng UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Tiểu ban Hậu cần - phòng, chống dịch Covid-19 Nguyễn Minh Cảnh chủ trì cuộc họp, các điểm cầu có Phó chủ tịch UBND các huyện, thành phố phụ trách mảng kinh tế tham dự.

Đại diện Hội Phụ nữ kiến nghị giải pháp tại cuộc họp trực tuyến.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh và tình hình các huyện báo cáo tại cuộc họp, một số mặt hàng nông sản có sản lượng lớn cần được hỗ trợ tiêu thụ ngay là: nhãn xuồng cơm vàng (sản lượng khoảng 2 ngàn tấn), sò huyết hơn 500 tấn. Ngoài ra, các huyện cũng thông tin một số loại nông sản đang trong tình trạng cần hỗ trợ, nhưng có thể “neo” lại và thu hoạch dần như: dừa uống nước, dưa hấu, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, tôm thẻ, cá tra, đậu phộng, củ sắn.

Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, thực phẩm đến tay người dân trong 4 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg (từ 19 đến 22-7-2021) được các huyện, thành phố đánh giá thuận lợi, chưa có khó khăn. Kiến nghị, giải pháp được thảo luận nhiều nhất xoay quanh vấn đề: việc kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản phải có sản lượng và đầu mối kết nối cụ thể, giá cả thống nhất trong toàn tỉnh cho 1 loại mặt hàng; cần xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho người chuyên đi giao hàng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Tiểu ban Hậu cần phòng, chống dịch Covid-19 Nguyễn Minh Cảnh kết luận: Nguồn thực phẩm dự trữ của người dân sẽ cạn dần sau nhiều ngày giãn cách, các địa phương cần dự báo nhu cầu thực phẩm trên địa bàn mình quản lý để các cửa hàng, chợ chủ động nguồn hàng cung ứng.

Về tiêu thụ hàng nông sản, trước mắt, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hỗ trợ kênh tiêu thụ hàng nông sản trong tỉnh. Sau khi nắm chính xác sản lượng hàng hóa, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các huyện kết nối thương lái trong tiêu thụ hàng nông sản ra ngoài tỉnh, bán trên sàn thương mại điện tử. Giải pháp sau cùng là kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ trên toàn quốc như vải thiều của Bắc Giang đã làm.

“Yêu cầu Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật để xuống địa phương khảo sát, nắm tình hình số lượng thu hoạch, thống nhất cơ bản về khung giá cả từng loại mặt hàng, làm cơ sở cho việc kết nối tiêu thụ hàng nông sản ở các địa phương”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh nhấn mạnh.

Tin, ảnh: T. Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN