Vườn cây ăn trái của ông Ba bị ngập liên tục trong mấy ngày qua.
Ngày 21-8-2020, chúng tôi có mặt tại hiện trường điểm sạt lở. Nhiều vườn cây ăn trái đặc sản như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh bị chìm trong biển nước ngập gần nửa mét. Đoạn đê bao bị vỡ khoảng 100m đang được gia cố tạm bằng bao cát. Hơn chục người dân cùng với đơn vị được Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp (đơn vị chủ đầu tư Dự án đập tạm Ba Lai) tất bật đắp lại phần đập tạm. Tuy nhiên, việc khắc phục tạm không hiệu quả vì chủ yếu làm bằng tay nên rất khó ngăn được khi nước triều lên.
Bên vườn sầu riêng rộng 1,5ha, ông Ngô Văn Ba ngậm ngùi cho biết: “Đợt hạn mặn vừa rồi, vườn sầu riêng nhà tôi chết hơn phân nửa. Số cây còn lại đã cứu được và ra đọt non. Vậy mà 3 ngày qua bị ngập nước, số cây còn lại cũng sắp bị ngập úng”.
Theo ông Ba, vào tháng 7-2020, nơi đây từng xảy ra sự cố sạt lở bờ bao khi công ty thi công đập tạm rút những tấm thép lá sen ven bờ. Khi đó, người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương và có buổi làm việc với ban quản lý dự án, các ngành. Ban quản lý dự án hứa khắc phục nhưng đến nay lại tiếp tục xảy ra sự số nên người dân bị thiệt hại nặng nề.
Còn gia đình ông Võ Quốc Quyền có 3.100m2 trồng sầu riêng đang cho trái cũng bị chết dần vì nước ngập. Ông Quyền cho biết: “Mấy tháng trước, tỉnh cho đắp con đập tạm, người dân đã phản ứng vì không hiệu quả, chỉ chứa nước mặn. Bây giờ khi tháo dỡ con đập, người dân lại bị thiệt hại nặng nề do vỡ đê, nước tràn vào ngập mênh mông. Chúng tôi kiến nghị lên các cấp, các ngành nhanh chóng có giải pháp khắc phục sự cố và hỗ trợ, bồi thường cho người dân bị thiệt hại”.
Ông Phạm Hoàng Khôi - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: “Sau khi sự cố xảy ra, địa phương đã kiến nghị lên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành để chờ xin ý kiến theo đúng thẩm quyền. Trước mắt, địa phương vận động người dân khắc phục tại chỗ. Nếu thiếu lực lượng, vật tư thì người dân đề xuất địa phương sẵn sàng hỗ trợ. Qua thống kê sơ bộ, vụ sạt lở bờ đê làm nước tràn vào bên trong gây thiệt hại cho hơn 40ha cây ăn trái của người dân”.
Ông Trần Văn Tiền - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Người dân, chính quyền địa phương rất bức xúc về việc sạt lở bờ bao do đơn vị thi công đập tạm gây ra. Trước mắt, đã kiến nghị lên ban quản lý dự án nhanh chóng khắc phục sự cố. Chính quyền địa phương thống kê thiệt hại để báo về trên nhằm có giải pháp hỗ trợ, bồi thường cho người dân. Về lâu về dài, địa phương sẽ lập dự án để nâng cấp đoạn đê này nhằm bảo vệ diện tích trồng cây ăn trái của người dân”.
Bài, ảnh: Lê Đệ