|
Đồng chí Trương Văn Nghĩa - tặng hoa cho các nhân chứng lịch sử. |
Sáng mãi Đường Hồ Chí Minh trên biển với Đoàn tàu không số huyền thoại
Tối 20-10-2011, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2011).
Đến tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Thành Hạo - Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trương Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh; đại biểu Ban Chỉ đạo Khu vực Tây Nam Bộ; đại biểu Quân Khu 9, Quân khu 7; đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố và cơ quan của Trung ương khu vực phía Nam; mẹ Việt Nam anh hùng, các vị lão thành cách mạng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện cùng nhân dân ở các xã, thị trấn và lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Thạnh Phú.
Đại biểu dự mít-tinh kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh
trên biển. Ảnh: T.Long
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy đã ôn lại lịch sử con đường huyền thoại - Đường Hồ Chí Minh trên biển và những ý nghĩa to lớn của đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, qua hai cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Có thể khẳng định, thắng lợi của cuộc Đồng Khởi năm 1960 của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã tạo bước đột phá, là tiếng súng mở màn đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn mới: chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, và yêu cầu về vũ khí, đạn dược trở nên cấp bách. Lúc này, đường Trường Sơn đã mở nhưng địch thường xuyên đánh phá ác liệt nên chưa thật sự đáp ứng việc chi viện về sức người, sức của và vũ khí cho chiến trường miền Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Bác Hồ, Trung ương Cục Miền Nam chỉ đạo các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam chủ động chuẩn bị bến bãi và tổ chức đưa thuyền vượt biển ra Bắc nhằm mục đích thăm dò, nắm tình hình địch, nghiên cứu tuyến đường vận chuyển trên biển, đồng thời nhận vũ khí để kịp thời cung cấp cho cuộc chiến đấu của quân, dân miền Nam.
Người dân xã Thạnh Hải đến dâng hương. Ảnh: Văn Trí
Tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển có nhiều bến ở các tỉnh: Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bà Rịa, nhưng Bến Bến Tre là một đặc thù riêng, là vị trí chủ yếu đứng chân của Ban Chỉ huy Đoàn 962, lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động của đơn vị từ Cà Mau đến Bà Rịa. Nơi đây, vừa là bến tiếp nhận vũ khí, đạn dược, vừa là trạm trung chuyển quan trọng của tuyến vận chuyển; đồng thời làm nhiệm vụ đầu mối cấp phát trang thiết bị cho lực lượng chiến đấu của Quân khu 8, vùng Nam Sài Gòn và Đông Nam Bộ. Với thời gian 14 năm, không gian trải rộng từ ven biển Cà Mau đến Bà Rịa, trên đất bạn Campuchia về sâu lãnh thổ Việt Nam đến Bến Tre, Bến A101 đã tiếp nhận 28 chuyến tàu cập bến an toàn với hàng ngàn tấn vũ khí, hàng quân dụng, hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và hàng trăm lượt trung chuyển vũ khí từ Bến Cà Mau, Trà Vinh ra các chiến trường. Trong sự kiểm soát gắt gao của kẻ thù, trong hai năm 1964-1966, Bến Tre đã đưa 1.400 tấn vũ khí cho quân, dân Khu 8 và miền Đông Nam Bộ, mở ra hai chiến dịch lớn trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967 và Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Những chiến công oanh liệt của Bến A101, Đoàn 962 trong 14 năm vận chuyển vũ khí và phương tiện cho chiến trường miền Nam mãi mãi là những trang sử vàng chói lọi, khẳng định công lao to lớn của nhân dân, của nhiều lớp cán bộ, chiến sĩ, trong đó có chiến sĩ Bến Bến Tre, sẽ luôn được các thế hệ con cháu mai sau trân trọng, giữ gìn, kế thừa và tiếp tục phát huy. Cùng với tuyến đường Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Qua 50 năm, kể từ ngày Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời và 36 năm từ ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre luôn giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, từng bước xây dựng lại quê hương, nhất là qua 26 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bộ mặt kinh tế - xã hội không ngừng thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Đối với Thạnh Phú, trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã không ngừng nỗ lực vươn lên và có những chuyển biển tích cực về mọi mặt.
Tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, các đại biểu đã gặp gỡ, giao lưu với những nhân chứng lịch sử của Đoàn tàu không số huyền thoại. 50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn đó trong trí nhớ của những người lính năm xưa.
l Trước buổi lễ, đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, một số sở, ngành và đại diện lãnh đạo huyện Thạnh Phú, địa phương đã đến công trình Công viên Nghĩa trang - Đường Hồ Chí Minh trên biển (xã Thạnh Hải) dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm lại trong lòng biển cả.