Sản xuất than gáo dừa thiêu kết thân thiện môi trường

27/01/2021 - 07:13

BDK - Năm 2014, Công ty TNHH Nhiên liệu xanh Tấn Lê được thành lập và hoạt động tại xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, với ngành nghề chủ yếu là đầu tư sản xuất than gáo dừa ép viên, bước đầu vừa sản xuất để ổn định quy trình, chất lượng sản phẩm, vừa thăm dò thị trường. Qua thời gian nghiên cứu, đến năm 2019, sản phẩm than ép viên của công ty đã xuất khẩu sang Hàn Quốc. Năm 2020, sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Hệ thống công nghệ lò than. Ảnh: Quang Thông

Tuy nhiên, do nguyên liệu than thiêu kết từ gáo dừa thu mua của các cơ sở đốt than trên địa bàn có chất lượng không đồng đều, nên than ép viên đầu ra không ổn định về chất lượng, rất khó đáp ứng được yêu cầu để tiếp cận thị trường tiềm năng như Trung Đông, Hàn Quốc, Mỹ và Châu Âu… Do đó, Công ty TNHH Nhiên liệu xanh Tấn Lê quyết định đầu tư, nhập khẩu công nghệ “Lò than hóa bằng phương pháp nhiệt phân cách ly” của Đức để sản xuất than thiêu kết gáo dừa, nhằm ổn định chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất than sinh học ép viên thân thiện với môi trường.

Ưu điểm vượt trội của công nghệ là có thể được ứng dụng làm than với nhiều loại vật liệu sinh khối như gỗ, tre, gáo dừa và các loại thực vật khác; tỷ lệ các-bon hóa cao; hiệu suất thu hồi sản phẩm cao; thu hồi nhiệt trong quá trình nhiệt phân tái sử dụng để tiếp tục cung cấp nhiệt cho quá trình nhiệt phân, tiết kiệm 70% nhiên liệu tiêu thụ và tái chế 95% lượng khí thải, kết hợp hệ thống lọc để chiết xuất ra hắc-ín và giấm gỗ có lẫn trong khói qua quá trình ngưng tụ khói thải.

Trong quá trình đầu tư, công ty đã tiến hành khảo sát hiện trạng đốt than trên địa bàn và lựa chọn công nghệ phù hợp; tổ chức sản xuất thử nghiệm để nghiên cứu các yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng than hóa từ gáo dừa; đồng thời, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất than sinh học ép viên thân thiện với môi trường từ nguồn than nguyên liệu do công ty chủ động sản xuất.

Việc tổ chức sản xuất thử nghiệm được tiến hành theo quy trình công nghệ đã nghiên cứu, đội ngũ kỹ thuật viên đã nhanh chóng làm chủ công nghệ và quy trình sản xuất. Ứng dụng công nghệ lò than hóa bằng phương pháp nhiệt phân cách ly là một bước cải tiến trong quy trình sản xuất than hiện nay, góp phần làm tăng năng suất, hiệu quả ổn định cũng như chất lượng than thương phẩm. Quá trình sản xuất rút ngắn thời gian, giảm được các chi phí nhân công, diện tích sản xuất, hiệu suất thu hồi cao, sản phẩm có chất lượng vượt trội so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, góp phần tăng giá trị gián tiếp rất lớn cho ngành chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo ra giá trị tăng thêm và đóng góp quan trọng vào chuỗi giá trị cây dừa.

Kết quả phân tích định tính và định lượng cho thấy, than gáo dừa thiêu kết sản xuất bằng công nghệ lò than hóa theo phương pháp nhiệt phân cách ly tạo ra than thiêu kết có chất lượng đồng đều, nhiệt trị cao, có khả năng hấp thu oxy cao nhất, có độ xốp sơ cấp phát triển thuận lợi cho quá trình hoạt hóa sau này, rất thích hợp cho việc sản xuất than hoạt tính và than sinh học ép viên. Đây là công nghệ đốt than có kiểm soát và không gây ô nhiễm môi trường, mở ra triển vọng chuyển giao cho các cơ sở sản xuất than thiêu kết trên địa bàn tỉnh Bến Tre ứng dụng để giải quyết mục tiêu kép là vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, công ty còn sản xuất than sinh học ép viên thân thiện với môi trường trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong việc phối trộn, pha chế tỷ lệ hợp lý giữa than nguyên liệu với các phụ gia cho phép sử dụng để tạo ra viên than có chất lượng vượt trội, đảm bảo các tiêu chí như: không phát sinh khí độc, thân thiện với môi trường; thời gian cháy lâu, nhiệt lượng tỏa ra khi đốt cháy lớn; không làm mất đi mùi thơm tự nhiên của món ăn khi nướng; dễ dàng vận chuyển, lưu trữ và bảo quản; ít khói, mồi lửa nhanh, không có hóa chất độc hại và hàm lượng tro thấp (< 3%), tro có màu trắng, xốp, độ phân tán thấp.

Trong thời gian tới, Công ty TNHH Nhiên liệu xanh Tấn Lê tập trung nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng thành tựu công nghệ 4.0 trong kiểm soát quy trình sản xuất, quan trắc tự động các tiêu chí của môi trường, hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Huỳnh Cao Thọ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN