Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu

19/07/2021 - 06:45

BDK - “Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, hạn mặn hàng năm, nhu cầu sinh kế, phát triển bền vững về kinh tế, sức khỏe, đặc biệt là cung cấp sản phẩm sạch, an toàn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng... nên tôi có sáng kiến “Sản xuất rau hữu cơ kết hợp công nghệ tưới nước nhỏ giọt và màng phủ nông nghiệp đảm bảo sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu”, chị Đỗ Thị Đẹp, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Đẹp (ngồi bên trái) với ý tưởng “Sản xuất rau hữu cơ kết hợp công nghệ tưới nước nhỏ giọt và màng phủ nông nghiệp đảm bảo sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu”.

Ý tưởng thiết thực

Với ý tưởng trên, chị Đẹp đã đạt giải nhất cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo - phát triển giải pháp giúp cải thiện vệ sinh và nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu và hòa nhập xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tổ chức mới đây.

Chị Đỗ Thị Đẹp là nguyên Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ba Tri. Chị chia sẻ, khi giữ vai trò Chủ tịch Hội LHPN Thị trấn, gần gũi, gắn bó với nhiều chị em trong hội, bản thân tôi đã rất trăn trở, vì chứng kiến nhiều gia đình, chị em hội viên lâm vào cảnh thiếu nước ngọt để sản xuất, sinh hoạt vào mùa hạn mặn.

Thậm chí nhiều gia đình có cả ao, hồ có nước nhưng vẫn bị nhiễm phèn, mặn không thể tưới tiêu, sử dụng, trong khi đất vườn thì để trống và người lao động thì rảnh rỗi, thiếu việc làm, thu nhập khó khăn. Trước đây, mỗi năm có 1 - 2 tháng mặn nhưng những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời gian hạn mặn kéo dài hơn và ngày càng diễn biến phức tạp. Rất nhiều gia đình vốn đã khó thì nay lại càng khó hơn.

Từ thực tế xảy ra tại quê hương, kết hợp với tính hiệu quả của mô hình sản xuất rau hữu cơ của Nhật Bản đã được triển khai trên địa bàn, chị Đẹp có ý tưởng sản xuất rau hữu cơ kết hợp công nghệ tưới nước nhỏ giọt và màng phủ nông nghiệp, đảm bảo sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu. Theo mô hình này, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, người sản xuất cần áp dụng thêm một số phương pháp khoa học công nghệ và kỹ thuật như: hệ thống tưới nước nhỏ giọt, công nghệ ủ phân chuồng hiếu khí (ủ phân APS), màng phủ nông nghiệp, dụng cụ trữ nước ngọt có thể là bể, hồ, túi nước…

“Để triển khai mô hình này trong cộng đồng, trước hết chúng tôi sẽ xây dựng mô hình điểm, chọn vài hộ tham gia dự án. Tiếp theo là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như làm bể ủ phân APS, hệ thống ống tưới nước nhỏ giọt, màng phủ, hạt giống… Tổ chức tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về mặt kỹ thuật vận hành hệ thống và quy trình canh tác rau hữu cơ. Sau khi đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trong cộng đồng”, chị Đẹp cho hay.

Cải thiện sinh kế

Mô hình sẽ có nhiều thuận lợi khi triển khai như tận dụng đất trồng từ các hộ gia đình. Kinh phí đầu tư từ hộ gia đình hoặc hỗ trợ của các dự án (nếu có), vay từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn. Về lao động sẽ tận dụng các thành viên trong gia đình, lao động nhàn rỗi. Mặt khác, người dân có thể tiếp cận các chính sách từ chương trình, dự án khởi nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu… của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, Hội LHPN và chính quyền các cấp.

Chị Đỗ Thị Đẹp kể: “Để hoàn thiện ý tưởng, bản thân tôi chịu khó dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp nhằm ứng phó với hạn mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình như việc cần thiết đưa vào sử dụng màng phủ nông nghiệp là nhằm để hạn chế độ phèn, mặn của đất, giúp tăng năng suất và sức khỏe cây trồng. Nước ngọt sẽ được tích trữ trong các hồ chứa, ao phủ bạt để đảm bảo quá trình trồng rau hữu cơ được liên tục, không bị ngắt quãng như trước do nước nhiễm mặn…”.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Tính sáng tạo của mô hình là ở sự kết hợp giữa chính sách và công nghệ, kỹ thuật, quy trình sản xuất rau hữu cơ để giải quyết vấn đề sản xuất trong mùa hạn mặn. Đồng thời, tận dụng tối đa ưu thế tại chỗ kết hợp kỹ thuật, công nghệ tạo ra lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, khuyến khích chị em phụ nữ mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như hệ thống tưới nhỏ giọt; màng phủ nông nghiệp phân hủy sinh học; ủ phân chuồng hiếu khí APS… Từ đó, giúp phụ nữ - những người làm chủ hộ có cơ hội cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế gia đình bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, nhất là tại các huyện ven biển của tỉnh.

“Giải thưởng này nằm trong khuôn khổ Dự án “Cải thiện vệ sinh, nước sạch bằng cách tiếp cận dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ” (WOBA) được triển khai giai đoạn 2018 - 2022, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tổ chức, dành cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Kinh phí do Quỹ “Nước sạch cho phụ nữ” của Bộ Ngoại giao Thương mại Úc tài trợ. Rất vinh dự là phụ nữ Bến Tre đạt 4/6 giải, trong đó có 1 giải nhất là chị Đỗ Thị Đẹp, thị trấn Ba Tri; 1 giải nhì là chị Nguyễn Thị Anh Thư, xã An Phú Trung (huyện Ba Tri)”.

(Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa)

Bài, ảnh: C. Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN