Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 có khá nhiều điểm mới. Để giúp học sinh (HS) có tâm thế sẵn sàng chuẩn bị bước vào kỳ thi, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT về phương pháp cũng như nội dung ôn tập.
* Xin ông cho biết việc HS đăng ký thi nhiều ở các môn tự nhiên, ít ở các môn xã hội như hiện nay có ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy cũng như lộ trình thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ không?
- Theo phương án thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 mà Bộ GD&ĐT đã công bố, môn ngoại ngữ là 1 môn thi tự chọn. Môn ngoại ngữ được xem như môn thi tự chọn là giải pháp tình thế trong giai đoạn chuyển tiếp sang thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới với lý do Đề án dạy học ngoại ngữ mới bắt đầu triển khai và chất lượng dạy học ngoại ngữ còn không đồng đều giữa các vùng, miền.
Theo kết quả khảo sát bước đầu các môn thi tự chọn của HS tỉnh Bến Tre năm nay, môn ngoại ngữ là môn có số HS chọn thi là 13,24%, đứng ở vị trí thứ 5, chỉ trên môn Lịch sử. Các trường THPT ở địa bàn thị trấn, thành phố có số HS chọn thi ngoại ngữ nhiều hơn. Qua đó cho thấy dù chất lượng dạy học ngoại ngữ có nâng lên, HS vẫn còn ngán ngại trong việc học và thi môn ngoại ngữ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc này không ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai Đề án dạy học ngoại ngữ trong thời gian tới. Sở vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp trong kế hoạch triển khai Đề án đã được UBND tỉnh ban hành như: bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho giáo viên trong và ngoài nước; tăng cường trang thiết bị dạy học ngoại ngữ cho các trường; tăng tiết môn tiếng Anh cho các trường THCS và THPT.
Sở cũng đã chỉ đạo các trường phải tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, vì theo định hướng của Bộ GD&ĐT, sau khi triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, môn ngoại ngữ sẽ tiếp tục là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
* Giải pháp gì trong ôn tập nhằm củng cố kiến thức cho HS, nhất là HS có học lực trung bình, yếu vượt qua kỳ thi?
- Việc dạy học, ôn tập phân hóa, tập trung vào đối tượng HS có học lực trung bình, yếu kém triển khai trong các năm học qua chứng tỏ có hiệu quả, được Sở chỉ đạo và các trường THPT, trung tâm GDTX triển khai thực hiện ngay từ đầu năm học.
Ngay sau khi Bộ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT, Sở đã chỉ đạo các trường THPT, trung tâm GDTX thực hiện các công việc sau:
+ Tư vấn HS trong việc chọn môn thi đối với 2 môn tự chọn bảo đảm phù hợp với năng lực, học lực của HS; tổ chức khảo sát việc chọn môn thi của HS; căn cứ vào kết quả khảo sát, chủ động tổ chức các phương án ôn tập cho HS.
+ Thực hiện đầy đủ kế hoạch dạy học, hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định để HS có đủ kiến thức, kỹ năng làm các bài thi kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra học kỳ II và thi tốt nghiệp THPT; tập trung ôn tập theo nội dung chương trình, sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kỹ năng môn học; chú trọng công tác phụ đạo theo đối tượng HS, tập trung cho HS có học lực trung bình, yếu kém.
+ Thường xuyên thông báo cho cha mẹ HS biết về tình hình học tập của HS, đặc biệt là những HS có học lực yếu, kém; phối hợp với cha mẹ HS để tạo điều kiện tốt nhất cho việc học, ôn tập của HS.
+ Sở GD&ĐT sẽ tổ chức ra đề kiểm tra học kỳ II chung trong toàn tỉnh ở 8 môn có thi tốt nghiệp THPT cho HS.
+ Sau khi có kết quả kiểm tra học kỳ II (vào tuần đầu tháng 5-2014), các trường THPT, các trung tâm GDTX chốt lại danh sách HS chưa đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để tiếp tục hỗ trợ các em khắc phục lỗ hổng kiến thức, ưu tiên tăng cường thời lượng để truy bài, rèn các qui luật nhớ và khả năng vận dụng kiến thức ở mức độ thấp, phù hợp với đối tượng HS yếu.
* Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, ngành đã có bước chuẩn bị gì về cơ sở vật chất cũng như công tác coi thi và chấm thi, thưa ông?
- Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về thi, tuyển sinh, xét tốt nghiệp THCS, thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, ban hành các quyết định thành lập các hội đồng: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và các đoàn thanh tra thi, bảo đảm đúng thành phần, đúng tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi.
Các trường THPT, trung tâm GDTX tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ Quy chế thi, nghiệp vụ coi thi, chấm thi, thanh tra thi và yêu cầu mọi cán bộ tham gia các khâu của kỳ thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, nhằm khắc phục triệt để các sai sót, bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây; tham gia coi thi, chấm thi đầy đủ theo sự điều động của Sở.
Trong khi chờ Bộ ban hành quy chế sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã ban hành, các trường, trung tâm cần rà soát hồ sơ những HS đang học lớp 12 đảm bảo chính xác các thông tin cá nhân. Khi có Quy chế sửa đổi, bổ sung, cần rà soát chế độ ưu tiên, khuyến khích (cần nắm bắt những thay đổi về chế độ ưu tiên, khuyến khích để thông báo rộng rãi và kịp thời cho HS và cha mẹ HS biết). Khảo sát, nắm tình hình cơ sở vật chất các trường học - nơi sẽ đặt hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất cho hội đồng coi thi.
* Xin cám ơn ông!