Hướng đến phát triển bền vững ngành dừa tỉnh, bài 3:
Sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
06/09/2024 - 05:28
BDK - Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ là xu thế tất yếu, điều kiện bắt buộc để ngành dừa có thể xuất khẩu ra thế giới. Những vấn đề này đã được tỉnh “Xứ sở dừa của Việt Nam” nhìn ra và đặt nền móng xây dựng từ những năm trước. Tính cấp thiết hiện nay là các thị trường xuất khẩu khó tính và tiềm năng trên thế giới đã ra quy định bắt buộc về sản xuất hữu cơ, buộc các thành tố trong chuỗi dừa đều phải tuân thủ.
Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú liên kết các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh xây dựng tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ EU.
Quy định mới về hữu cơ của EU
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Huỳnh Quang Đức, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng vùng trồng dừa hữu cơ, với hơn 20.400ha. Trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 12.979ha, các tiêu chuẩn hữu cơ được áp dụng như Mỹ (USDA), Liên minh châu Âu (EU), Nhật (JAS), Đài Loan, Trung Quốc..., tập trung tại các huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Bình Đại.
Chủ sở hữu các chứng nhận hữu cơ đến nay do DN chế biến dừa đứng tên và chi trả tất cả các chi phí thực hiện và phí chứng nhận hàng năm. Quy định này cho phép DN được liên kết trực tiếp với nông hộ trồng dừa mà không cần qua hợp tác xã (HTX). Song, tất cả diện tích dừa hữu cơ sẽ có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa hữu cơ trực tiếp giữa nông dân và DN.
Hầu hết các DN đầu tư lớn vào việc xây dựng hồ sơ và chi phí chứng nhận hữu cơ để có được vùng nguyên liệu chất lượng cao, ổn định, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Sản phẩm dừa hữu cơ cũng yêu cầu công nghệ và quy trình chế biến cao hơn, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế như HACCP, ISO 22000:2005 và BRC Food.
Theo diễn biến mới nhất liên quan đến quy định hữu cơ của EU, đặc biệt là Quy định (EU) 2018/848, kể từ ngày 1-1-2025, quy định hữu cơ mới của EU sẽ chính thức có hiệu lực đối với các quốc gia ngoài EU. Điều quan trọng trong quy định này là sự điều chỉnh về việc chứng nhận nhóm nông dân. Quy định mới không còn cho phép chứng nhận nhóm nông dân được thực hiện dưới sự giám sát của đơn vị xuất khẩu/chế biến/thương mại… Nói cách khác, từ đây trở đi, nhóm nông dân sẽ phải tiến hành chứng nhận độc lập. Sự thay đổi này đảm bảo quy trình đánh giá nghiêm ngặt và minh bạch hơn, từ đó góp phần duy trì tính trung thực và niềm tin liên quan đến các sản phẩm hữu cơ của EU.
Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phùng Anh Thục Đoan cho biết, theo quy định này, các DN ngành dừa đang đứng tên chứng nhận sẽ phải hủy bỏ và thay thế cho các HTX có liên kết với DN đó đứng tên. Như vậy, có hai cách thực hiện là DN sẽ hỗ trợ chi phí và quy trình xây dựng chứng nhận cho các HTX dừa hữu cơ đã liên kết, hoặc xây dựng chứng nhận cho các HTX dừa hữu cơ mới.
Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương hỗ trợ DN, HTX và nông hộ triển khai các quy định hữu cơ mới của EU. Cũng theo Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Phùng Anh Thục Đoan, quy định mới còn bắt buộc nhóm nông dân phải có một thực thể pháp lý nhằm tạo nền tảng của sự chịu trách nhiệm và giúp việc tuân thủ quy định được diễn ra dễ dàng. Như vậy, tới đây, tất cả các vườn dừa hữu cơ trước nay liên kết trực tiếp với DN đầu chuỗi mà chưa tham gia vào HTX thì ngay từ bây giờ phải tham gia vào HTX tại địa phương.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Trong thời gian qua, Sở Công Thương đã nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ các DN và cơ sở sản xuất địa phương thông qua nhiều hoạt động thiết thực như: đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ cho chế biến sản phẩm từ dừa, hỗ trợ kết nối tiêu thụ hàng hóa và mở rộng thị trường, nhằm tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm từ dừa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM).
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Sở Công Thương đã triển khai chương trình XTTM giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm việc tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm, và sự kiện giới thiệu sản phẩm tại Bến Tre. Tỉnh đã trực tiếp tổ chức và hỗ trợ các DN tham gia hơn 48 hội chợ trong và ngoài tỉnh, đồng thời hỗ trợ 50% phí thuê gian hàng cho hơn 75 lượt DN tham gia 120 gian hàng tại các hội chợ trong nước. Ngoài ra, Sở Công Thương còn tổ chức các sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các sự kiện quan trọng như họp mặt kiều bào, hội nghị xúc tiến đầu tư và các hội thảo khoa học ngành dừa.
Không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, Sở Công Thương còn hỗ trợ các DN mở rộng thị trường quốc tế. Cụ thể, đã có các DN được hỗ trợ tham gia trưng bày sản phẩm tại Hội chợ trái cây và rau quả quốc tế Macfrut 2021 tại Italy, cùng nhiều sự kiện XTTM tại Pháp, Hà Lan và các quốc gia khác. Nhằm đáp ứng xu thế chuyển đổi số, Sở Công Thương đã phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Tiki và Alibaba để hỗ trợ các DN địa phương đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, sự kiện “Ngày hội xứ Dừa - Quê hương Bến Tre” trên Sendo đã đạt được hơn 1.112 đơn hàng với 2.160 sản phẩm bán ra, phủ sóng khắp 56 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhờ những nỗ lực đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa đã đạt được những thành tựu đáng kể, với khoảng 400 triệu USD/năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Với các hoạt động XTTM đa dạng và hiệu quả, Sở Công Thương đang tiếp tục hỗ trợ các DN địa phương mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định vị thế của tỉnh trong nền kinh tế quốc gia và quốc tế. Còn đối với các DN xuất khẩu sang EU, các sản phẩm dừa được dán nhãn hữu cơ phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU. Nếu không tuân thủ có thể dẫn đến mất khả năng tiếp cận thị trường hoặc mất chứng nhận hữu cơ. Việc đảm bảo tuân thủ các quy định mới này sẽ giúp DN xuất khẩu dừa duy trì và thuận lợi mở rộng khả năng tiếp cận thị trường EU nói riêng, thế giới nói chung.
Các quy định hữu cơ mới của EU, đặc biệt là Quy định (EU) 2018/848, có ý nghĩa cụ thể đối với ngành dừa Bến Tre. Nông dân và nhà chế biến phải tuân thủ các hướng dẫn chặt chẽ hơn về chứng nhận hữu cơ. Điều này bao gồm tài liệu kỹ lưỡng về các biện pháp canh tác, cả việc sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu, những yếu tố rất quan trọng để duy trì trạng thái hữu cơ. Các quy định mới cũng nhấn mạnh khả năng truy xuất nguồn gốc tốt hơn trong toàn bộ chuỗi cung ứng, nghĩa là các bước từ trồng trọt đến chế biến đều phải được ghi chép rõ ràng và kiểm chứng để đảm bảo dừa và các sản phẩm từ dừa đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ.