ĐT Việt Nam nhận thất bại trước ĐT Trung Quốc
HLV Troussier tiếp tục thử nghiệm đội hình, khi bên cạnh các cầu thủ kỳ cựu, một số gương mặt mới được tung ra sân ngay từ đầu trong sơ đồ 5-3-2. Theo đó, 2 vị trí hậu vệ biên của ĐT Việt Nam do Tiến Anh và Việt Hưng đảm nhiệm, bên cạnh bộ ba trung vệ Tuấn Tài, Duy Mạnh và Ngọc Hải. Ba tiền vệ trung tâm gồm Hoàng Đức, Hùng Dũng và Tuấn Anh, trong lúc Văn Toàn và Tuấn Hải chơi trên hàng công. Bên kia chiến tuyến, Trung Quốc tung ra đội hình mạnh nhất trong sơ đồ 3-4-3 với 3 mũi tấn công gồm Tan Long, Wu Lei và Xie Pengfei.
Theo thống kê, ĐT Việt Nam kiểm soát bóng nhiều hơn trong suốt trận đấu. Có thời điểm, đoàn quân của ông Troussier đã nắm đến gần 70% thời lượng bóng ở trên sân. Tuy vậy, ĐT Việt Nam vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn trong các pha tổ chức hãm thành. Mặt sân xấu khiến ĐT Việt Nam (cũng như ĐT Trung Quốc) hay để mất bóng một cách đáng tiếc. Có lẽ cũng bởi lý do này mà đoàn quân của ông Troussier không có nhiều các pha phối hợp nhỏ. Thay vào đó, ĐT Việt Nam thường hay phất bóng dài trong các pha tổ chức hãm thành đối phương.
Phải thừa nhận rằng, những tình huống này giúp cho đoàn quân của ông Troussier có ít nhất 2 tình huống nguy hiểm nhưng các chân sút lại không thể tận dụng được. Ngoài ra, cũng phải kể đến pha độc diễn của Tuấn Hải ở phút 27. Có bóng từ vạch vôi giữa sân, tiền đạo này dẫn bóng qua các hậu vệ của Trung Quốc rồi xâm nhập vào khu cấm địa của Trung Quốc, nhưng rất tiếc, cú sút của Tuấn Hải lại đưa bóng đi chệch cột dọc. Trong hiệp 2, ĐT Việt Nam ít có những pha hãm thành sắc nét như trong hiệp 1 nên việc không thể xuyên thủng lưới đội chủ nhà cũng là điều dễ hiểu.
Đội chủ nhà không kiểm soát bóng nhiều nhưng họ lại rất chủ động trong các pha tổ chức hãm thành. Có thể thấy, các pha tổ chức lên bóng của Trung Quốc dựa vào khả năng bứt tốc mạnh mẽ và những quả lật chính xác của các cầu thủ chạy cánh. Trong lúc đó, bộ ba tấn công Tan Long, Wu Lei và Xie Pengfei có chiều cao tốt, đặc biệt là Tan Long nên Trung Quốc thường rót bóng bổng để thực hiện các bài không chiến.
Có thể coi đây là phép thử chống bóng bổng của các hậu vệ ĐT Việt Nam. Ở một chừng mực nào đó thì phép thử này đã chưa mang lại nghiệm cho ông Troussier khi có nhiều tình huống sóng gió của Trung Quốc đặt khung thành của ĐT Việt Nam vào thế báo động. Đơn cử như ở phút 34 khi từ quả đá phạt trực tiếp, Tan Long bật cao đánh đầu sau sự bất lực của Ngọc Hải và đồng đội nhưng rất may đưa bóng bật khung thành của ĐT Việt Nam.
Tuy nhiên, những sai sót trong khâu phòng ngự đã khiến cho đoàn quân của ông Troussier phải nhận 2 bàn thua trong hiệp 2. Đầu tiên là ở phút 55 khi các cầu thủ ĐT Việt Nam không theo kịp một đường bóng ở biên, dẫn đến quả ném biên cho Trung Quốc. Từ pha phối hợp này, các hậu vệ của ĐT Việt Nam thiếu tập trung để Lui Yang tạt bóng từ cánh trái tạo cơ hội cho Wang Quiming bắt bóng sống, ghi bàn thắng cho chủ nhà. Ở phút cuối trận, Hoàng Đức mất bóng đáng tiếc để Wu Lei cướp được trước khi đánh bại các hậu vệ trong hàng phòng ngự, rồi tung cú dứt điểm ghi bàn thắng ấn định tỷ số 2-0 cho Trung Quốc.
Thất bại này để lại những cảm giác không vui cho khán giả Việt Nam. Tuy nhiên, đó là bài học cần thiết cho ĐT Việt Nam để hoàn thiện mình trong hành trình chuẩn bị cho vòng loại thứ hai World Cup 2026.
Trọng Ân (tổng hợp)