Rau sạch cho người tiêu dùng

09/05/2016 - 14:19
Hộ ông Lê Văn Hiền hơn 15 năm trồng hẹ.

Hằng ngày, trong mỗi bữa ăn không thể thiếu rau xanh. Để bảo đảm sức khỏe cho mọi người thì những loại rau này phải là rau sạch, tức là rau không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch.

Toàn tỉnh có hơn 6.000ha rau, tập trung ở các huyện: Thạnh Phú, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc.

Mỏ Cày Bắc có khoảng 900ha trồng rau, chủ yếu: hẹ, rau má, rau om… Rau được trồng nhiều nhất ở xã Nhuận Phú Tân, với diện tích khoảng 100ha. Ông Dương Văn Lạc - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, rau trồng nhiều tại các ấp Giồng Lớn, Giồng Đắc, Giồng Xép, Giồng Giữa và Giồng Chùa. Trong đó, hẹ chiếm 90%, vì đây là loại rau trồng một lần nhưng thu hoạch được nhiều lần.

Ông Lê Văn Hiền ở ấp Giồng Đắc, có trên 15 năm trồng hẹ chia sẻ kinh nghiệm: “Hẹ trồng một lần nhưng thu hoạch được 5 - 6 lần trong năm, năm sau xuống giống tiếp. Tôi trồng được 1,5 công hẹ. Cứ 1 công hẹ thì thu hoạch từ 2,3 - 2,4 tấn. Hẹ trồng bằng thân hoặc bằng hạt. Tôi chọn cách trồng hẹ bằng thân. Hẹ không chịu hạn cũng không chịu ngập úng. Đất trồng thích hợp nhất là đất thịt pha cát. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), tôi chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục, tro trấu, thuốc trừ sâu sinh học để trồng và chăm sóc hẹ. Sở dĩ tôi sử dụng thuốc sinh học vì không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí và dễ sử dụng. Tôi đang sử dụng thuốc sinh học Reasgant 5EC để diệt sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ trĩ, nhện gié. Theo chỉ dẫn, khi xịt thuốc lên cây hẹ, 7 ngày sau mới được thu hoạch, nhưng tôi để đến 9 - 10 ngày mới thu hoạch, nhằm bảo đảm không bị dư lượng thuốc trừ sâu và góp phần bảo đảm ATTP”.

Thạnh Phú cũng là huyện có diện tích rau khá lớn (khoảng 1.500ha). Anh Nguyễn Văn Khá ở xã Bình Thạnh, chuyên trồng cải (cải bẹ xanh, cải ngọt) nói: “Tôi trồng gần 5 công cải, chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học và phân chuồng hoai, tro trấu, mụn dừa để bón. Để góp phần bảo đảm ATTP, tôi chỉ dụng nước giếng tưới cho cải; nước mặt hiện nay dễ bị ô nhiễm nên tôi không sử dụng. Nếu cải có bị sâu rầy thì tôi chỉ phun thuốc trừ sâu sinh học, sau đó 9 - 10 ngày mới thu hoạch. 5 công cải này mỗi tháng trừ chi phí còn khoảng 7 triệu đồng. Tôi thường xuyên dự các lớp tập huấn về trồng rau sạch do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức”.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, Dự án “Cải thiện sinh kế hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô nhỏ” thí điểm cho một số hộ nông dân ở An Hòa Tây, thị trấn Ba Tri (Ba Tri), Lộc Thuận (Bình Đại) với diện tích gần 7.500m2  rau hữu cơ. Dự án này giúp nông dân nắm vững kỹ thuật sản xuất rau sạch. Trong kỹ thuật này, nông dân sản xuất rau phải tuân thủ quy định việc sử dụng phân hữu cơ bón cho rau, không sử dụng phân hóa học… từ đó, chi phí giảm 50% so với sản xuất rau sử dụng phân, thuốc hóa học. Đây là mô hình đang được nhân rộng trong toàn tỉnh, góp phần giữ vững ATTP.

Đó là người sản xuất rau, còn người kinh doanh và người tiêu dùng cũng rất cẩn trọng khi dùng rau. Chị Giàu, một tiểu thương ở chợ Tân Thành (phường Phú Tân, TP. Bến Tre) cho hay: “Mỗi ngày, tôi bán khoảng 20kg rau có nguồn gốc tại tỉnh Tiền Giang. Tôi tin tưởng vào thương lái lấy rau cho tôi, với lại nhiều năm bán rau cũng không nghe khách hàng phàn nàn gì về ATTP”.

Bác sĩ Phan Mộng Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu khá tin tưởng về rau: “Từ trước đến nay, bệnh viện chưa nhận ca nào ngộ độc do ăn rau. Tôi cũng thường đi chợ mua rau; chỉ mua của tiểu thương quen thuộc. Để cho an toàn hơn, trước khi ăn rau sống nên ngâm thuốc tím, sau đó rửa lại”.

Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo: “Nông dân trồng rau nên tuân thủ kỹ thuật trồng rau sạch hay rau an toàn. Tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học, nhất là thuốc hóa học có độc tính cao. Chỉ sử dụng phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng đã được ủ hoai mục, không sử dụng các loại phân hữu cơ còn tươi. Hạn chế sử dụng các chất kích thích và tăng trưởng rau, cây trồng. Đối với rau ăn lá, nông dân nên thu hoạch sau 15 - 20 ngày kể từ ngày phun thuốc trừ sâu (dù là thuốc trừ sâu sinh học). Có như thế mới mong rau được sạch và an toàn một cách bền vững”.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN