|
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2016. |
Trong 2 ngày 1 và 2-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2016.
Tại
phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình xây dựng, trình
ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực
trước và từ ngày 01-7-2016 (trong đó có các văn bản quy định chi tiết các luật,
pháp lệnh còn nợ đọng chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản
hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp); Các dự án: Luật Thủy lợi,
Pháp lệnh Giống cây trồng (sửa đổi), Pháp lệnh giống vật nuôi (sửa đổi); Tình
hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016; Tình hình triển khai
thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07-01-2016 của Chính phủ về nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội và dự toán ngân sách năm 2016; Đề án Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của
Việt Nam; Báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá năm 2015, 4
tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016; Báo cáo về việc xử
lý vướng mắc trong việc thanh toán vốn các dự án đầu tư thuộc các chương trình mục
tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và các dự
án trên địa bàn các huyện nghèo, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; Báo cáo quyết
toán ngân sách nhà nước năm 2014 và một số nội dung quan trọng khác.
Về
công tác xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xây
dựng thể chế là công tác trọng tâm của Chính phủ nhằm xây dựng Chính phủ liêm
chính, kiến tạo phát triển phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Vì vậy, Thủ tướng
Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Vụ trưởng
đều phải tập trung hơn nữa cho công tác này. Phải hết sức quan tâm bảo đảm tiến
độ, đi liền với số lượng phải bảo được chất lượng, không để xảy ra sai sót
trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định vừa qua Chính phủ đã có nhiều biện
pháp mạnh nhưng việc nợ đọng văn bản hướng dẫn vẫn còn nhiều, đây là tình trạng
đã diễn ra nhiều năm mà chưa được khắc phục làm cho luật chậm được thi hành và
đi vào cuộc sống.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu, tất cả các Nghị định về điều kiện kinh doanh phải được
ban hành trước thời điểm 1-7-2016, không để chậm trễ, không để còn nợ đọng sau
ngày 1-7, không để xuất hiện “khoảng trống pháp luật”. Đồng thời, phải bảo đảm
chất lượng các văn bản này, bằng các giải pháp như các Bộ, ngành trực tiếp làm
việc, thảo luận với nhau để gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, thực hiện ban hành theo
thủ tục quy trình rút gọn nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến
các đối tượng chịu tác động. Sau khi ban hành, những điểm nào không phù hợp với
thực tiễn thì phải sửa đổi kịp thời. Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp phải
thường xuyên đôn đốc, trực tiếp kiểm tra, trực tiếp làm việc với các tổ biên
tập, ban soạn thảo để giải quyết từng vướng mắc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc
Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng
lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh
nghiệp, kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần
thiết.
Thủ
tướng Chính phủ chỉ rõ, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng,
minh bạch, người dân và doanh nghiệp đọc là hiểu ngay, đơn giản hóa tiền kiểm,
tăng cường hậu kiểm, theo tinh thần hậu kiểm là chính, tăng cường giao dịch qua
môi trường mạng để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định lại những quan điểm này khi cho ý kiến
về các dự thảo văn bản có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như
các dự thảo Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Giống cây trồng.
Thủ
tướng Chính phủ cũng lưu ý các Bộ trưởng, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm
pháp luật thì nay không còn các Thông tư liên tịch, các vấn đề thuộc thẩm quyền
nhiều Bộ phải được quy định tại Nghị định. Về công tác điều hành giá, Thủ tướng
Chính phủ nhấn mạnh, tôn trọng nguyên tắc là theo cơ chế thị trường, bảo đảm
nguồn cung hàng hóa, quản lý tốt lộ trình điều chỉnh giá, kiểm soát chặt chẽ
chi phí, không sử dụng mệnh lệnh hành chính để kiểm soát giá.
Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương dự báo sát tình hình, đánh
giá đúng tác động của điều chỉnh giá, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền
để tránh biến động giá do yếu tố tâm lý. Phải có các kịch bản điều hành giá,
nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà
Quốc hội đã thông qua. Tiếp tục thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ
về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bám sát giá thị trường thế giới, kiểm soát
chặt chẽ chi phí, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá. Không tăng giá bán lẻ điện
trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT giao
thông. Giao Bộ Giao thông vận tải tổng kết và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ
về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự
án BOT giao thông.
Về
giá dịch vụ y tế, có lộ trình, bước đi phù hợp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
không điều chỉnh cùng lúc cả 63 tỉnh, thành phố; bảo đảm giá dịch vụ y tế phải
tương xứng với chất lượng khám chữa bệnh. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp
với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương trình phương án đấu thầu tập
trung đối với thuốc dùng cho bảo hiểm y tế. Mục tiêu là để giảm giá thuốc cho
người bệnh.
Về
một số mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh
tinh thần là bình ổn giá cả, không để tăng giá đột biến do thiếu hàng; giữ
nguyên biện pháp quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến quý IV năm
nay, để bình ổn giá mặt hàng này.
Thảo
luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016, Chính phủ
thống nhất nhận định kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lãi
suất cho vay có xu hướng giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Thu hút vốn
FDI tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, vốn FDI cam kết và thực hiện đều tăng
cao so với cùng kỳ. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi
xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt kết quả. An ninh chính
trị và trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích
cực.
Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh
tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm 2016 còn nhiều mặt yếu kém, tồn tại. Kinh tế
vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc; lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng
cao; tốc độ phát triển khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch
vụ thấp hơn cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ và ODA còn
chậm; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước; vẫn còn
xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, riêng trong tháng 5 tai nạn
giao thông đã tăng trở lại trên cả ba tiêu chí; đời sống một bộ phận nhân dân
còn nhiều khó khăn.
Điểm
qua những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5
tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bên cạnh thuận
lợi, đất nước ta cũng đang phải đối phó với không ít khó khăn, thách thức. Thủ
tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành triển khai nhiệm vụ với tinh thần
đổi mới, chủ động, sáng tạo nhưng không chủ quan trong điều hành và phải có kế
hoạch, hành động cụ thể, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ,
giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao
nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế
vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã
hội.
Trên
tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ cần thực hiện nhất quán mục
tiêu ổn định vĩ mô để tạo nền tảng cho phát triển bền vững; đồng thời triển
khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nhiệm vụ trọng
tâm. Xây dựngc tốt các kịch bản, kiểm soát chặt chẽ về giá; không được chủ quan
trong kiểm soát lạm phát; các bộ, ngành phối hợp hiệu quả trong điều hành giá
cũng như trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ.
Tăng
cường hơn nữa các giải pháp khơi thông những tiềm năng cho tăng trưởng đi liền
với đảm bảo chất lượng tăng trưởng; huy động hiệu quả các nguồn lực trong dân
để phục vụ cho các mục tiêu phát triển; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh;
quyết liệt hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính. Các Bộ trưởng, trưởng
ngành cần phải công bố rõ lộ trình cải cách thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn
ASEAN 4; kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho người
dân, doanh nghiệp.
Đồng
thời các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty có kế hoạch, lộ trình cụ
thể đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành, trong đó thể hiện rõ chủ
trương tăng tỷ lệ vốn bán ra, bán hết phần vốn nhà nước đối với doanh nghiệp mà
Nhà nước không cần nắm giữ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2016.
Trong
tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công lập, yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì cùng các Bộ, cơ
quan liên quan xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công
lập theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tinh giản biên chế và giảm chi từ
NSNN.
Đẩy
mạnh hơn nữa phong trào khởi nghiệp trong thanh niên. Phong trào khởi nghiệp
không phải dừng lại ở khẩu hiệu mà phải xây dựng, cụ thể hóa bằng thể chế,
chính sách cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho khởi nghiệp. Đề nghị Bộ Khoa học và
Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp
cùng các cơ quan chức năng xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách
liên quan đến khởi nghiệp để trình Chính phủ trong tháng 7 tới.
Xây
dựng, triển khai chương trình tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện; không ngừng
nâng cao chất lượng tăng trưởng nông nghiệp, phát triển ngành nông nghiệp có
giá trị gia tăng lớn, có sức cạnh tranh cao qua đó nâng cao thu nhập và đời
sống người nông dân. Hết sức quan tâm trong chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, huy động
các nguồn lực nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chương trình tái cơ cấu nông
nghiệp. Quan tâm hơn nữa đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện
hiệu quả các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trong ứng phó với tình trạng xâm
nhập mặt, khô hạn, bao gồm cả các giải pháp công trình và phi công trình;
chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với
điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở các vùng, miền.
Về
vấn đề xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần thực hiện tốt chính sách ưu đãi
người có công; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm.
Hỗ trợ kịp thời người dân ở các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn...
Triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững; các giải
pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là trong phòng chống đuối
nước ở trẻ em. Chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh theo mùa,
đặc biệt là các dịch bệnh có khả năng bùng phát cao trong mùa hè; đẩy mạnh thực
hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, tạo điều kiện thuận lợi
nhất cho thí sinh và phụ huynh; khắc phục những bất cập của kỳ thi trước.
Tập
trung mạnh vào tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển nguồn nhân lực; tăng
cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
nhằm đáp ứng cho các yêu cầu phát triển. Thực hiện hiệu quả chủ trương về đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã
hội học tập, phát triển con người toàn diện, nhất là về đạo đức và lối sống.
Chủ
động hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát chặt chẽ các
nguồn gây ô nhiễm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường,
không có “vùng cấm”, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm.
Quyết
tâm xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp liêm chính, vững mạnh, kiến tạo
phát triển. Tập trung hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ gắn với thượng tôn
pháp luật. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng như hoạt động thanh tra
công vụ. Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt bỏ những
khoản chi không cần thiết, nhất là chi cho hội họp, đi công tác nước ngoài. Triển
khai hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý nghiêm
các hành vi chống người thi hành công vụ, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các cần quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, xử
lý nghiêm việc chuyển giá, trốn thuế cũng như các hành vi vi phạm vệ sinh an
toàn thực phẩm
Về
an ninh, quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu theo dõi sát, nắm chắc tình
hình, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp
thời mọi hoạt động chống phá, kích động gây rối. Tăng cường phối hợp, nâng cao
năng lực của các lực lượng chấp pháp trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển
đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội.
Tiếp
tục chủ động trong hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế; khai
thác hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, nhất là
các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Cuối
cùng, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ
động thông tin kịp thời về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật
của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội, quốc
phòng an ninh, đối ngoại,... góp phần tạo đồng thuận xã hội, chung sức chung
lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, nhất là mục tiêu về
kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an
sinh xã hội, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam./.