Tiếp sau kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, cả hệ thống chính trị tại địa phương bước vào đợt triển khai học tập quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm - khóa XI (NQTW5) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).
Một trong những nội dung quan trọng của NQ là Kết luận số 21 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN).
Trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ tham nhũng, lãng phí là một thách thức lớn cần đấu tranh, đẩy lùi. Điều nguy hại là ở chỗ mối quan hệ giữa tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Trong thực tế cả nước, có hiện tượng tham nhũng lớn, nghiêm trọng, liên quan đến cả nhóm cán bộ biến chất làm mất uy tín cả ngành, địa phương, thậm chí ảnh hưởng đến chế độ, song có cả loại tham nhũng nhỏ, tham nhũng “bẩn” mang tính nhũng nhiễu, gây khó để “kiếm ăn”. Tham nhũng là một thứ giặc nội xâm, một thứ bệnh cần được giải phẫu, bởi nó làm cho đất nước nghèo đi và nguy cơ tụt hậu càng xa. Nhân dân, cán bộ, đảng viên làm ăn chân chính rất bức xúc với những hiện tượng “quan cách mạng” giàu lên bất ngờ, không còn gắn bó, lấy dân làm gốc, không thực hiện bài học về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Có phải vì thế mà bệnh “chạy” chức, quyền, bằng cấp, thành tích, giải thưởng và cả chạy tội vẫn âm ỷ, ngày càng tinh vi hơn.
Tham nhũng và hành vi tham nhũng cần được nhận diện đầy đủ để khi phát hiện sẽ xử lý đúng người, đúng tội! Luật PCTN (năm 2005) đã xác định: tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi, trong đó có cả vụ lợi về vật chất và tinh thần. Tội tham nhũng có nhiều hành vi biểu hiện như tham ô tài sản, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, hoặc lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhũng nhiễu để chiếm đoạt tài sản, vụ lợi. Hành vi tham nhũng gián tiếp còn thể hiện ở việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi. Người có chức, có quyền, có trách nhiệm quản lý tiền bạc, tài sản công, người được giao nắm cán cân công lý nếu cái tâm không trong sáng, không kiên định nguyên tắc, lập trường, không đấu tranh nổi cái tôi của chủ nghĩa cá nhân thì dễ dẫn đến hành vi tham nhũng. Cá nhân một người tham nhũng đã nguy hại, nhưng lại còn kéo theo “cả dây”, cả nhóm cùng làm sai thì vô cùng nguy hại. Những người “cùng hội, cùng thuyền” ấy thường bao che lẫn nhau để bảo vệ “quyền lợi nhóm”, rồi hè nhau che chắn chỗ sơ hở, lấp liếm sự thật bằng chứng từ giả để qua mặt cơ quan pháp luật. Điều đáng báo động ở chỗ, có cán bộ tham nhũng riết rồi quen thói xấu đến mức nếu không có tư lợi thì họ không thực hiện hoặc làm việc tắc trách khi làm nhiệm vụ, công vụ được giao.
NQTW4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tại địa phương, cùng với quá trình triển khai quán triệt và thực hiện NQTW4, các cấp ủy Đảng tăng cường hiệu quả thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý 141 đảng viên vi phạm với các hình thức kỷ luật khác nhau tùy theo mức độ sai phạm. Trong đó có 1,3% đảng viên bị kỷ luật do sai phạm tham nhũng, lãng phí. Một số vụ việc sai phạm tương tự đang được các cấp ủy, cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, xử lý theo qui định và pháp luật.
PCTN đã trở thành quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị. NQTW5 tiếp tục quyết liệt thể hiện quyết tâm ấy. Tệ nạn tham nhũng tuy đã từng bước được đẩy lùi nhưng thách thức còn rất lớn. Cụ thể, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Điểm mới trong tinh thần chỉ đạo của NQTW5 về công tác tổ chức là: không thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về PCTN. Tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN; lập lại Ban Nội chính từ Trung ương đến các tỉnh ủy, thành ủy, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực về PCTN. Về quản lý, lãnh đạo công tác này tiếp tục đổi mới và thực hiện nghiêm cơ chế công khai, minh bạch tài sản. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phải giải trình nguồn gốc tài sản theo yêu cầu của tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra. Đồng thời, Nhà nước sẽ ban hành các qui định mới, sửa đổi, bổ sung các qui định về việc thành lập các trung tâm mua sắm công tập trung, cải tiến mua sắm thiết bị đầu tư công thông qua cơ quan dịch vụ cung cấp thiết bị do Nhà nước quản lý, tránh việc sơ hở để hưởng chênh lệch hoa hồng hoặc đầu tư mua sắm không đúng qui định về mức mua, chủng loại được mua, người mua “đi đêm” thông đồng báo giá khống tăng để hưởng chênh lệch.
Nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu được NQTW5 xác định là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, lãng phí. Một mặt, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, lãng phí. Mặt khác, trong các cuộc họp thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng, phải có nội dung về PCTN, lãng phí. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải thật sự gương mẫu và dành thời gian thích đáng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí. Tăng cường chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan có chức năng PCTN, lãng phí. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải cam kết về sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh không thể không đấu tranh quyết liệt với tệ tham nhũng đang hàng ngày, hàng giờ làm suy thoái một bộ phận cán bộ, đảng viên. Để chống tham nhũng hiệu quả, rất cần thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện, chung chung. Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí, tham ô”.