Ông Hà Văn Lâm có nhu cầu tư vấn: Tháng 10-2022, tôi có hợp đồng ủy quyền cho ông H làm đại diện tôi tham gia giải quyết tranh chấp đất tại tòa án. Thời hạn ủy quyền kết thúc sau khi tòa án giải quyết xong vụ án. Tôi đã ứng trước cho ông H số tiền 20 triệu đồng. Tôi thấy ông H không làm hết trách nhiệm của người được ủy quyền, vì ông chỉ có mặt tại tòa theo giấy triệu tập lần thứ nhất. Khi tòa án có giấy triệu tập lần thứ 2 thì ông H vắng mặt. Tôi điện thoại thì ông H nói là bận công việc và yêu cầu tôi ứng thêm tiền nữa cho ông. Xin hỏi: Tôi có thể chấm dứt hợp đồng ủy quyền với ông H được không, thủ tục ra sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 563 BLDS, về thời hạn ủy quyền là do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.
Trường hợp của ông đã làm hợp đồng ủy quyền cho ông H tham gia tố tụng tại tòa án. Đây là hợp đồng ủy quyền có thù lao và thời hạn ủy quyền chấm dứt khi tòa án giải quyết xong vụ án. Tuy nhiên, như ông trình bày thì ông H chỉ có mặt theo giấy triệu tập của tòa án lần thứ nhất; sau đó, ông H cũng không có mặt theo giấy triệu tập của tòa lần thứ hai và yêu cầu ông ứng thêm tiền.
Theo Điều 565 BLDS quy định, bên được ủy quyền có nghĩa vụ gồm: 1) Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó. 2) Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền. 3) Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền. 4) Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền. 5) Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. 6) Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại điều này.
Như vậy, ông H đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của bên được ủy quyền. Vì vậy, ông H có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại (nếu có) do vi phạm nghĩa vụ theo quy định tại Điều 565 BLDS.
Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 569 BLDS: “Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại…
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt”.
Như vậy, sau khi chấm dứt hợp đồng ủy quyền với ông H, ông phải báo bằng văn bản cho tòa án (thụ lý giải quyết tranh chấp) biết và ông có thể ủy quyền cho người khác để làm đại diện tham gia tố tụng.
H. Trâm (thực hiện)