Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN
Về nguyên tắc làm việc, Ban Chỉ đạo (BCĐ) hoạt động thường xuyên, thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động của các Thành viên, các Tiểu ban thuộc BCĐ và cơ quan thường trực BCĐ trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên BCĐ.
BCĐ họp, thảo luận dưới sự chủ trì của Trưởng BCĐ hoặc Phó Trưởng BCĐ theo phân công của Trưởng BCĐ để quyết định và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; mọi công việc được thảo luận dân chủ, thống nhất và trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa các Thành viên BCĐ, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thành viên BCĐ có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy chế này và các nhiệm vụ được phân công; tham gia đầy đủ các hoạt động của BCĐ; kịp thời báo cáo và chịu trách nhiệm trước Trưởng BCĐ về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; bảo đảm duy trì kết nối thông tin liên lạc thường xuyên 24/24.
Các Tiểu ban thuộc BCĐ, các Thành viên Tiểu ban hoạt động theo Quy chế này và Quy chế làm việc của Tiểu ban, bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ được phân công.
Phạm vi giải quyết công việc của các Thành viên BCĐ, các Tiểu ban thuộc BCĐ, các Thành viên Tiểu ban phải theo đúng quy định của pháp luật, thẩm quyền, nhiệm vụ được phân công và quy định tại Quy chế này.
Quy chế cũng quy định cụ thể trách nhiệm của Trưởng BCĐ, Phó Trưởng BCĐ; Trưởng Tiểu ban thuộc BCĐ; Thành viên BCĐ.
Bộ Y tế là cơ quan thường trực của BCĐ. Cơ quan thường trực của BCĐ được yêu cầu các Tiểu ban, các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, báo cáo và hỗ trợ các nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Phân công nhiệm vụ các Thành viên BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19
Thành viên BCĐ thực hiện các nhiệm vụ theo Quy chế làm việc của BCĐ ban hành kèm theo Quyết định số 84/QĐ-BCĐ ngày 28-8-2021 và các nhiệm vụ theo phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo như sau:
1. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ.
Chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của BCĐ; phân công nhiệm vụ cho các Phó Trưởng Ban và các Thành viên BCĐ.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An sinh xã hội và Tiểu ban An ninh trật tự xã hội; xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của các Tiểu ban theo đề nghị của Trưởng Tiểu ban.
2. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng BCĐ, Trưởng Tiểu ban Tài chính, hậu cần.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Tài chính, hậu cần. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước, thuế, bảo hiểm, lãi suất ngân hàng, cơ chế mua sắm, giá các dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, các khoản hỗ trợ đối với người dân, đặc biệt là người mất việc làm, người xa quê tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội.
Chỉ đạo việc bảo đảm kinh phí, phân bổ và quản lý việc sử dụng kinh phí phòng, chống dịch; chỉ đạo việc thực hiện mua sắm vaccine, vật tư, trang thiết bị, hóa chất, thuốc... phục vụ phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo triển khai thực hiện các phương án mua sắm dự phòng để sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp vượt quá khả năng đáp ứng tại chỗ của địa phương; chỉ đạo việc xây dựng các chế độ, chính sách đối với các lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu.
3. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng BCĐ.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Y tế. Trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế trong nước; chỉ đạo việc áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch để bảo đảm tính liên tục của hoạt động giáo dục; chỉ đạo việc ứng dụng các công cụ, nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
4. Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Trưởng BCĐ.
Làm đầu mối phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, kể cả việc chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các quy định của các luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; giám sát việc thực hiện các quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
5. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng BCĐ, Trưởng Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chỉ đạo việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng và đáp ứng yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
6. Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban An ninh trật tự xã hội.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An ninh trật tự xã hội. Chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong và sau dịch; chủ động các phương án phòng ngừa, các biện pháp xử lý tình huống bất ổn xã hội có thể phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; tổ chức chỉ đạo, huy động, điều phối lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội; công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng; chỉ đạo phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ công tác xuất, nhập cảnh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xuất, nhập cảnh trái phép.
7. Đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban An sinh xã hội.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban An sinh xã hội. Chỉ đạo bảo đảm giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia; kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, không để xuất, nhập cảnh trái phép; chỉ đạo tổ chức tăng cường lực lượng quân đội nhân dân phối hợp với các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Chỉ đạo việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại các khu vực tăng cường giãn cách xã hội; chăm lo đời sống người dân, tổ chức hỗ trợ tại các vùng, địa phương có dịch, quan tâm người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch COVID-19...
8. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Vận động và huy động xã hội.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Vận động, huy động xã hội. Chỉ đạo tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
9. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Dân vận.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Dân vận. Chỉ đạo, tổ chức vận động, động viên các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
10. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành viên BCĐ.
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Tiểu ban Truyền thông; Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền đúng chủ trương, quan điểm, giải pháp, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch...
11. Đồng chí Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Y tế.
Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị người nhiễm COVID-19, tiêm chủng... và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất các dịch vụ y tế cần thiết; sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc bệnh; tham mưu việc huy động, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tại các địa phương khi cần thiết; xây dựng kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh.
12. Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Thành viên BCĐ.
Chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách cần thiết, nhất là các nội dung liên quan đến tài chính, ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; giám sát hoạt động liên quan đến tài chính, ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
13. Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thành viên BCĐ.
Phối hợp với Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo trong việc đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và kịp thời báo cáo, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo đối với những vấn đề phát sinh.
14. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thành viên BCĐ.
Chỉ đạo việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung và theo dõi chung về tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
15. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên BCĐ, Trưởng Tiểu ban Truyền thông.
Chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác, xử lý, ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục phát huy hiệu quả của các công cụ, nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc, các giải pháp công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức