'Quốc tế cần phản ứng mạnh trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông'

28/08/2019 - 22:43

Nhiều chuyên gia Séc cho rằng cộng đồng quốc tế cần kiên quyết phản ứng mạnh mẽ để kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động leo thang căng thẳng và lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đoàn công tác từ đất liền thăm đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Praha dẫn ý kiến của một số chuyên gia Séc cho rằng cộng đồng quốc tế cần kiên quyết phản ứng mạnh mẽ để kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động leo thang căng thẳng và lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhận định trên được đưa ra sau khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại và tiếp tục xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Nhà báo Alex Svamberg, chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh quốc tế thuộc báo Tin tức Séc (Novinky.cz), cho rằng việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhiều tàu hải cảnh hộ tống vào EEZ của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính là hoạt động leo thang căng thẳng tiếp theo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều này cho thấy Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh nước lớn để thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông và đây là tín hiệu hết sức nguy hiểm.

Nhà báo Alex Svamberg nhấn mạnh Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế thế giới vì đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng không chỉ đối với châu Á mà còn đối với châu Âu và toàn cầu.

Các hoạt động của Trung Quốc nhằm bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông thời gian qua, cũng như hoạt động leo thang căng thẳng của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, là những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), gây tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Cộng đồng quốc tế không công nhận các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Nhà báo Séc đánh giá cao việc Việt Nam kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc trên thực địa.

Việt Nam không đơn độc trong vấn đề Biển Đông vì với chính sách đối ngoại đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN và các nước có vai trò cũng như tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Pháp, Anh,...

Trong khi đó, Jan Hornat, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Séc (IIR) và học giả Vaclav Kopecky, chuyên gia nghiên cứu an ninh châu Á thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Séc (AMO), nhận định các hoạt động đơn phương xây dựng, bồi đắp và quân sự hóa của Trung Quốc thời gian qua ở Biển Đông đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ với việc tăng cường các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOP).

Theo chuyên gia Jan Hornat, Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với Liên minh châu Âu (EU) không chỉ về khía cạnh an ninh và kinh tế mà còn về khía cạnh “vùng biển mở và tự do.”

Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đôngtheo yêu sách "đường lưỡi bò."

Tháng 7-2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về cái gọi là “đường lưỡi bò.”

Khía cạnh trọng nhất mà EU quan tâm trong vấn đề Biển Đông là cần phải đảm bảo tính thượng tôn pháp luật vì EU không muốn Trung Quốc đơn phương tạo ra luật chơi và thống trị luật chơi.

Trong chiến lược toàn cầu của mình, EU ngày càng quan tâm tới việc tăng cường phối hợp và gắn kết với khu vực châu Á, trong đó có ASEAN và Việt Nam.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN