Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
28/11/2024 - 15:42
BDK.VN - Thực hiện theo Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 28-11-2024, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và biểu quyết thông qua với tỷ lệ 94,78% đại biểu Quốc hội tán thành.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được thông qua gồm 8 chương, 63 điều. Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định củaLuật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) bao gồm: Mua bán người theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này. Thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai. Cưỡng bức, môi giới hoặc xúi giục người khác thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Đe dọa, trả thù nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ, người làm chứng, người tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo hoặc người ngăn chặn hành vi quy định tại điều này. Dung túng, bao che, tiếp tay, cản trở, can thiệp, không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi mua bán người. Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện hành vi trái pháp luật. Cản trở việc giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Cản trở việc phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo, khai báo, xử lý hành vi quy định tại Điều này. Xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Tiết lộ thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Giả mạo là nạn nhân. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
Nguyên tắc phòng, chống mua bán người theo quy định của Luật đó là: Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân làm trung tâm; bảo đảm bình đẳng giới.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa mua bán người; phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này. Giải cứu, tiếp nhận, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân kịp thời, chính xác, giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được và được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ.
Tùy từng trường hợp cụ thể và theo quy định của pháp luật có liên quan, nạn nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là hệ quả trực tiếp của hành vi mua bán người có thể không bị xử lý hành chính hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người.
Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành, chủ động, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với pháp luật của Việt Nam và pháp luật, tập quán quốc tế.
Luật quy định các biện pháp phòng ngừa mua bán người, cụ thể: Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; Tư vấn về phòng ngừa mua bán người; quản lý về an ninh, trật tự; Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ; Quản lý hoạt động xuất nhập cảnh; Trao đổi thông tin để quản lý hoạt động xuất nhập cảnh; Lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người: Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người. Kịp thời tố giác, báo tin, tố cáo hành vi quy định tại Điều 3 của Luật này.
Được bảo vệ, giữ bí mật thông tin của cá nhân khi tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Được khen thưởng, được bảo đảm chế độ, chính sách khi tham gia phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Ngoài ra quy định trách nhiệm tham gia phòng ngừa mua bán người của: gia đình; cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; cơ quan báo chí, thông tấn; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
Luật cũng quy định công tác phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, bao gồm: Tố cáo, tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố về hành vi vi phạm; Phát hiện hành vi vi phạm thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra; Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm; Giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hành vi phạm tội mua bán người, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; Xử lý vi phạm.
Luật dành một chương để quy định về hỗ trợ nạn nhân, theo đó, nạn nhân là công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam được hưởng chế độ hỗ trợ sau đây: nhu cầu thiết yếu; y tế; phiên dịch; pháp luật; trợ giúp pháp lý; chi phí đi lại; tâm lý; hỗ trợ học văn hóa; học nghề, tư vấn, tạo điều kiện để có việc làm; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.