BDK.VN - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 27-11-2024, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (CĐ) (sửa đổi) và biểu quyết thông qua với tỷ lệ 92,48% đại biểu Quốc hội tán thành.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Đình Khang tại phiên họp Quốc hội.
Luật CĐ (sửa đổi) được thông qua gồm 6 chương, 37 điều với 7 nhóm điểm mới cơ bản sau:
Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức CĐ Việt Nam, phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời, bổ sung quyền gia nhập CĐ và hoạt động tại CĐ cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ CĐ) của NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa lao động là người Việt Nam và lao động là công dân nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ hai, bổ sung quyền gia nhập CĐ Việt Nam của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp nhằm thể chế hóa Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 5-11-2016 của Ban Chấp hành Trung ương và bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Thứ ba, xác định và phân định rõ “CĐ Việt Nam” với “Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam”, quy định rõ 4 cấp CĐ. Đồng thời, khẳng định “CĐ Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của NLĐ ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động”.
Thứ tư, bổ sung nguyên tắc tổ chức, hoạt động của CĐ Việt Nam và làm rõ hơn nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về CĐ.
Thứ năm, bổ sung quyền giám sát của CĐ (bao gồm hoạt động tham gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động chủ trì giám sát) và phản biện xã hội của CĐ để phù hợp, thống nhất với các quy định của Đảng, các Luật có liên quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động CĐ trong tình hình mới.
Thứ sáu, bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí CĐ nhằm giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi gặp khó khăn và giao Chính phủ quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí CĐ trên cơ sở thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Thứ bảy, tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính CĐ; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính CĐ rõ ràng, phù hợp với thực tiễn của hoạt động đoàn; bổ sung quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí CĐ; Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính CĐ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của CĐ sau khi thống nhất với Chính phủ; làm rõ hơn khái niệm, việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản CĐ và bổ sung quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý sử dụng tài chính CĐ. Đồng thời, bổ sung quy định Kiểm toán nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính CĐ và báo cáo kết quả với Quốc hội cùng thời điểm Tổng LĐLĐ Việt Nambáo cáo Quốc hội và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp Quốc hội.
Quốc hội thấy rằng, việc sửa đổi Luật CĐ đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra. Tuy nhiên, đây là Luật có tính chính trị - pháp lý cao, đặt trong bối cảnh hội nhập, phải giải quyết hợp lý, hài hòa nhiều vấn đề có quan hệ mật thiết: (1) Mối quan hệ giữa CĐ với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của Việt Nam và CĐ với chức năng, nhiệm vụ cốt lõi là tổ chức đại diện rộng lớn bảo vệ, chăm lo đối với NLĐ; (2) Vừa phải đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ phù hợp với điều kiện và bối cảnh, tình hình mới hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta nhưng phải bảo đảm được tính chất và vai trò của tổ chức CĐ riêng có của nước ta trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Có những nội dung quy định của dự thảo Luật chỉ có thể mang tính nguyên tắc để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019; (4) Tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật CĐ và các luật có liên quan thì nhiều nội dung, hoạt động còn phải thực hiện theo quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam để bảo đảm tính độc lập tương đối của tổ chức CĐ và thực hiện những chức năng nguyên nghĩa, vốn có của tổ chức và phong trào công nhân quốc tế.
Để bảo đảm Luật CĐ (sửa đổi) nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi của Luật, đặc biệt là nội dung mới của Luật, Quốc hội đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam: Rà soát kỹ lưỡng những quy định của Luật CĐ (sửa đổi) và những quy định trong Điều lệ CĐ Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất, đầy đủ, khả thi trong tổ chức triển khai thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện những nội dung được Luật giao bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.Cần sớm có giải pháp để giải quyết những vấn đề mới, chưa có tiền lệ nhằm ngăn ngừa, hạn chế có hiệu quả các tác động tiêu cực, bảo đảm hoạt động của CĐ mang tính thực chất và phát huy vai trò và trách nhiệm của CĐ Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Tiếp tục báo cáo về tình hình biên chế trong tổ chức CĐ các cấp và đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm bảo đảm số lượng biên chế cán bộ CĐ các cấp phù hợp, tạo điều kiện để tổ chức CĐ thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm rất đặc thù của tổ chức CĐ, đồng thời là thành tố của hệ thống chính trị ở nước ta. Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, NLĐ, người sử dụng lao động, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật.
Luật CĐ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025.