|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014. Ảnh: An Đăng/ TTXVN |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, chiều 28-7, thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, đa số đại biểu Quốc hội đề nghị cần siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng
Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày tờ trình đề nghị
Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân
đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán
được Quốc hội quyết định là 877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% so với dự toán,
chủ yếu do tăng thu từ dầu thô, tăng thu tiền sử dụng đất, thuế nhập khẩu,
và thu từ các khu vực kinh tế. Quyết toán chi cân đối ngân sách nhà nước là
1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là
1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát
triển từ nguồn vốn ngoài nước, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ
và nguồn năm trước chuyển sang. Quyết toán số bội chi là 260.145 tỷ đồng, vượt
36.145 tỷ đồng so với mức Quốc hội quyết định.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân
sách của Quốc hội cho rằng, qua quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2014 nổi
lên nhiều vấn đề. Một số khoản chi của một số địa phương xây dựng dự toán chưa
căn cứ vào nhiệm vụ thực tế nên khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc
không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí, nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi
cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí, giải ngân nguồn vốn ODA tăng
cao, gây mất cân đối ngân sách nhà nước. Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn
chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được
khắc phục. Nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn. Qua kiểm toán chương
trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương nợ xây
dựng cơ bản là hơn 16 nghìn 700 tỷ đồng.
Thảo luận tại Hội trường, nhiều đại biểu Quốc
hội đề nghị cần siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng,
thu ngân sách năm nào cũng vượt thu là điều đáng mừng nhưng có vấn cần
cần xem xét kỹ lưỡng tạo sao cứ vượt thu?. Bởi theo ông Minh “có tình trạng cứ
tháng 8, tháng 9, các địa phương ra Trung ương “bảo vệ kế hoạch”. “Vậy đó là
vấn đề gì? dẫu biết rằng vượt thu theo luật thì “được thưởng” nhưng như thế cảm
thấy bất công bằng với tỉnh/địa phương nghèo khó khăn, muốn vượt cũng không
vượt được”-ông Minh nêu quan điểm.
Theo ông Minh, cứ nói chống thất thu, thu đủ,
thu đúng nhưng vẫn còn tình trạng nợ thuế, chưa kể lãng phí trong xây
dựng cơ bản khi xây nhà văn hóa không có người đến, trường nghề không có ai
học, chợ không có ai vào.
Cũng theo ông Minh, chi thường xuyên vượt,
trong đó rất nhiều bộ ngành chi vượt. Chính phủ hằng năm chi vượt dự toán nhưng
Quốc hội lại đề nghị chấp thuận. “Đây là vấn đề không nghiêm. Năm nào, lần nào
cũng rút kinh nghiệm, rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi, rút kinh nghiệm cái gì
nữa”-ông Minh chỉ rõ.
Đặt vấn đề tại sao tăng thu nhưng bội chi vẫn
cao hơn dự toán, tăng hơn 25.000 tỷ đồng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí
Minh) nói: “Báo cáo kiểm toán đã nêu ra rất nhiều tồn tại như chi không đúng
chế độ, tiêu chuẩn, định mức, địa phương hụt thu vẫn lặp đi lặp lại trong nhiều
năm”.
Nhắc lại trong phát biểu nhậm chức, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đã nói phải sử dụng hiệu quả từng đồng tiền thuế của dân, ông
Ngân đề nghị, kỷ cương, kỷ luật tài chính cần thực hiện nghiêm minh từ Trung
ương cho đến địa phương, tích cực hơn nữa trong chống thất thu, gian lận thương
mại, trốn thuế. Nhưng quan trong theo ông Ngân “đặc biệt phải nâng cao
hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, bởi hiện có hơn 1 triệu tỷ vốn nhà nước
đang nằm trong các doanh nghiệp. Quản lý chi ngân sách giảm tối đa chi các hội
nghị, khánh tiết, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”.
Trước việc báo cáo của Chính phủ nhận
định luôn thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm
(TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần xem lại đánh giá này, khi đánh giá này là khác xa
so với thực tế. “Cứ tròn vo không nhìn thẳng vào sự thật thì điều hành ngân
sách sẽ còn xấu hơn”-bà Tâm cảnh báo. Bà chỉ rõ: “Báo cáo kiểm toán phát hiện
thấy có nhiều sai sót, thậm chí sai cả quy định của pháp luật. Cho nên Chính
phủ, Quốc hội cần nhìn nhận lại kỷ luật kỷ cương ngân sách”.
Cũng theo bà Tâm, chúng ta cứ giữ bộ máy tổ
chức như hiện nay thì vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng cồng kềnh, không rõ
trách nhiệm vẫn còn xảy ra vì chúng ta không có cơ chế hiệu quả để giải quyết
vấn đề này. Theo chương trình giám sát năm 2016-2017, Quốc hội sẽ giám sát việc
thực hiện chính sách pháp luật về cải cách hành chính. Do đó sau giám sát, Quốc
hội cần có giải pháp mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân
sách Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, chi đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều hạn chế, sai
phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục,
xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án
đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm. Tình trạng chấp
hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và pháp luật về
đấu thầu diễn ra khá phổ biến trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, quá
trình đầu tư đến hoàn thành quyết toán đưa vào sử dụng.
Cũng trong chiều nay, với 92,11 % tổng số đại
biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua hai Nghị quyết về
việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về: việc thực hiện chính sách, pháp luật
về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 -2016 và việc thực hiện chính sách,
pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016./.