Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận trực tuyến tại hội trường.
Tham gia thảo luận trực tuyến tại Hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đơn vị tỉnh Bến Tre cho rằng: Qua nghiên cứu Báo cáo số 407 về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại biểu đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tình hình tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Theo đại biểu, năm 2021 là năm thứ 3 triển khai áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và năm thứ 2 triển khai việc mở rộng phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước.
Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể chuyển ngay cho cơ quan điều tra, không cần chờ đến khi kết thúc thanh tra, góp phần ngăn chặn kịp thời hậu quả tham nhũng và thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.
Tuy nhiên, qua báo cáo thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ như:
So với năm 2020 thì năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số cuộc thanh tra hành chính đã giảm 32%, số cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành đã giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị xem xét, xử lý hành chính giảm 30%, nhưng mức độ vi phạm về kinh tế thì lại tăng. Cụ thể là tăng 6% về số tiền vi phạm, tăng 49% về diện tích đất và tăng gần 4% số cá nhân chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý. Riêng Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 42 cuộc thanh tra và phát hiện sai phạm về kinh tế 20 cuộc, chiếm gần 50% số cuộc thanh tra, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý tăng 20,1% so với năm 2020.
Hai là, như đại biểu đã đề cập, năm 2021 là năm thứ 2 thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, mở rộng đối tượng đối với dự án, doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước, nhưng số cuộc thanh tra, kiểm tra ở khu vực này giảm 74% số đơn vị so với năm 2020, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng. Cụ thể, năm 2020 tổ chức 49 đoàn kiểm tra, chỉ phát hiện 2 vụ. Trong năm 2021 chỉ kiểm tra 13 đơn vị nhưng phát hiện dấu hiệu tham nhũng 13 vụ. Số liệu này cũng chưa rõ là có phải mỗi đơn vị một vụ hay không. Nếu đúng như vậy thì phát hiện vi phạm 100% ở đơn vị được kiểm tra với 19 đối tượng vi phạm và 5 đối tượng bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa thấy phân tích nguyên nhân là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, do đổi mới phương pháp hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng.
Ba là, các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 359.339 đơn các loại, trong đó có 274.988 đơn đủ điều kiện xử lý. Báo cáo cũng có nêu Thanh tra Chính phủ đã giải quyết 17.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng chưa làm rõ số đơn đủ điều kiện xử lý còn lại có bao nhiêu đơn thuộc lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, hiện nay được xử lý thế nào, ai xử lý và kết quả xử lý ra sao.
Bốn là, thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng kinh tế, chỉ thu hồi được 5% số tiền vi phạm so với tổng số tiền phải thi hành trong tổng số 4.799 số vụ việc phải thi hành. Trong khi năm 2020 con số này là 43,42%. Báo cáo cũng không thấy đề cập nguyên nhân tại sao việc thu hồi tài sản tham nhũng giảm nhiều, có phải là do số vụ việc thi hành không đủ điều kiện thi hành hay do nguyên nhân khách quan dịch bệnh không thi hành được.
Năm là, nhiều tồn tại lặp lại và kéo dài nhiều năm. Một số vấn đề của cơ quan thẩm tra nêu lên trong các năm trước chưa có dấu hiệu thuyên giảm, cũng chưa có chuyển biến rõ rệt, như việc lót tay trong giải quyết công việc, giải quyết khiếu nại, tố cáo rất lớn nhưng việc xử lý vẫn chủ yếu là hành chính, kỷ luật, ít có kiến nghị xử lý hình sự. Nguy cơ lợi ích nhóm, sân sau tập trung vào một số lĩnh vực. Trình độ, năng lực, nghiệp vụ chuyên môn, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thanh tra còn hạn chế.
Từ những phân tích trên, đại biểu xin có một số đề xuất kiến nghị. Một, đề nghị Chính phủ trong lần báo cáo sau cần phân tích làm rõ những số liệu trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan để đánh giá kết quả đạt được thực chất hơn. Qua đó có giải pháp phù hợp để hạn chế tối đa các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo.
Hai, để tạo điều kiện cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về phòng, chống tham nhũng nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong hoạt động bộ máy nhà nước như kiến nghị trong báo cáo của Chính phủ, đề nghị báo cáo năm sau cần bổ sung một mục về việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan thẩm tra ở năm trước đó.
Ba, tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền và nội dung tuyên truyền cũng như mở rộng đối tượng tuyên truyền ra phạm vi ngoài nhà nước để kịp thời ngăn chặn và hạn chế tham nhũng ở khu vực này.
Bốn, đối với việc xử lý những vụ việc và đối tượng tham nhũng liên quan đến hỗ trợ an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm, kiên quyết không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, vì hậu quả của những vi phạm này, không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn về tinh thần, về ý chí và tác động không nhỏ đến lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, cử tri đang rất bức xúc. Ảnh hưởng đến việc huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch bệnh, dự báo sẽ còn khả năng diễn biến phức tạp và kéo dài.
Tin, ảnh: Hồng Yến