Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật Điện lực (sửa đổi)

07/11/2024 - 15:51

BDK.VN - Chiều 7-11-2024, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường đối với Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

Luật Điện lực năm 2004 đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ được lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực điện lực, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc thực thi Luật Điện lực đã mang lại những tác động tích cực và có vai trò rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện, đồng thời, giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dựa trên 6 chính sách, bao gồm: (1) Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; (2) Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; (3) Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; (4) Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; (5) Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; (6) An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều có phạm vi điều chỉnh là: Quy định về quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư xây dựng dự án điện lực; phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới; giấy phép hoạt động điện lực; thị trường điện cạnh tranh, giá điện, hoạt động mua bán điện; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện; vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực; bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện; quản lý nhà nước về điện lực.

Về nội dung cơ bản, Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, bỏ 4 điều (tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hồ sơ đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực; quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn chuyên ngành điện lực; thanh tra điện lực), gộp 4 điều vào các điều khác (chủ yếu về nội dung chính sách phát triển về đầu tư, tiết kiệm điện và giá điện).

Bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo (điện mặt trời, đặc biệt quy định về phát triển điện gió ngoài khơi), năng lượng mới với điều kiện tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp (như hydrogen), cơ chế mua bán điện trực tiếp, triển khai đầy đủ các cấp độ của thị trường điện cạnh tranh, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các thành phần kinh tế, các loại giá điện, giá mua bán điện theo thời gian trong ngày, giá điện nhiều thành phần.

Do điện lực là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đầu tư cho phát triển điện lực phải đi trước một bước trong phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện thể chế về phát triển điện lực là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ sở để phát triển mọi lĩnh vực, ngành kinh tế và phục vụ đời sống Nhân dân.

Đứng trước yêu cầu thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển điện lực, xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh cung cấp điện, an ninh quốc gia, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ Nhân dân và đòi hỏi của thực tiễn để khắc phục triệt để các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004 như: Thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp trong sản xuất điện; chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần sớm hoàn thiện và ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sớm nhất có thể để triển khai trong thực tiễn, đảm bảo an ninh năng lượng trong giai đoạn sắp tới.

Vì vậy Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình 1 kỳ họp, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. 

                                                                                        Ý Nhiên 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN