BDK.VN - Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 27-11 -2024, với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình Dự án Luật.
Luật Việc làm số 38/2013/QH13 đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 16-11-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động; là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động yếu thế và tăng cường cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội; hỗ trợ lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp thông qua phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, chính sách việc làm công; hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kỹ năng nghề; hỗ trợ đảm bảo một phần thu nhập, giúp người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện Luật Việc làm đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập: một số quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định của các văn bản hiện hành có liên quan như: Quy định độ tuổi người lao động chưa phù hợp với Bộ Luật Lao động 2019; Một số quy định liên quan tới việc tổ chức thực hiện về bảo hiểm thất nghiệp chưa thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 vừa được Quốc hội thông qua; Quy định về điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm không còn phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017.
Các quy định, chính sách của Luật Việc làm 2013 chưa kịp thời đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Một số quy định của Luật Việc làm năm 2013 cần rà soát, sửa đổi theo khuyến nghị của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: Công ước số 88 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về dịch vụ việc làm trong đó nhấn mạnh Nhà nước phải bảo đảm việc duy trì dịch vụ việc làm công và miễn phí, dịch vụ việc làm phải được hợp thành một hệ thống, có mạng lưới tại các địa phương và số lượng đủ để phục vụ cho người lao động, người sử dụng lao động.
Công ước số 122 về chính sách việc làm quy định mỗi nước thành viên, trong khả năng phù hợp với điều kiện của đất nước, quyết định, thực hiện, rà soát các biện pháp để đạt được mục tiêu chính sách, hướng tới các chính sách việc làm chủ động.
Xuất phát từ những lý do, yêu cầu nêu trên, việc sửa đổi Luật Việc làm là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bố cục dự thảo Luật gồm 9 chương và 94 điều.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã thể chế hóa mục tiêu giải quyết việc làm bền vững, chất lượng, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao độngcủa Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW; các nội dung cải cách về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Nghị quyết số 28-NQ/TW; Bám sát 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15; Tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội, cử tri về lĩnh vực việc làm; Rà soát hạn chế, vướng mắc, bất cập phát sinh trong tổng kết thi hành Luật Việc làm năm 2013, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan; Rà soát các điều ước, cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực việc làm.
So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như sau:
Nhóm chính sách 1, quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung: sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống thông tin thị trường lao động (từ Điều 27 đến Điều 33); bổ sung quy định về đăng ký lao động (từ Điều 20 đến Điều 26); bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn về dịch vụ việc làm (Điều 48)
Nhóm chính sách 2, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động:mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Điều 56); linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (Điều 58); sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp;
Nhóm chính sách 3, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia
Nhóm chính sách 4, thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững:sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7); mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10)
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Bổ sung các quy định hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi (Điều 17); chính sách hỗ trợ việc làm trong bối cảnh khủng hoảng, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh (Điều 19). Bổ sung các quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực việc làm: quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ việc làm theo phương thức thương mại điện tử (Điều 47); quy định về xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia nhằm phát triển dịch vụ việc làm (điểm c khoản 1 Điều 53). Sửa đổi quy định về hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công theo hướng thu gọn đầu mối và chuyên nghiệp hóa (Điều 49); Rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo phù hợp với chủ trương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương và Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (từ Điều 64 đến Điều 69); Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 78 đến Điều 82), Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 83 đến Điều 84) và khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm thất nghiệp (từ Điều 85 đến Điều 89), đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 và sẽ xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 9.