Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

22/11/2019 - 13:19

Sáng ngày 22-11-2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, đề nghị bổ sung tiếp cận rộng hơn, đầy đủ hơn đặc biệt là liên quan đến biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều loại hình và tần suất khó lường. Đồng thời bổ sung quy định ứng phó với các loại hình thiên tai như hạn hán, rét đậm, sương muối cho phù hợp với thực tiễn thay vì chỉ tập trung ở vấn đề mưa lũ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, cho rằng một số chính sách trong Tờ trình chưa có trong đề nghị xây dựng dự án Luật như chính sách về bảo đảm yêu cầu về phòng, chống thiên tai với việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu du lịch, khu công nghiệp; chế độ sử dụng, xử lý công trình xây dựng tại bãi nổi, cù lao; điều kiện phải có văn bản chấp thuận khi cấp giấy phép nẹo vét luồng, lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều. Do đó cần phải rà sóa đánh giá tác động kỹ quy định này để bảo đảm thống nhất hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người dân.

Bổ sung chính sách bảo đảm phòng, chống thiên tai hiệu quả

Về các nội dung của dự thảo Luật, đại biểu Lê Quang Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, thống nhất với việc bổ sung quy định ưu tiên bố trí nguồn lực xây dụng triển khai các chương trình trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Đại biểu chỉ rõ công tác phòng chống thiên tai thời gian qua có những hạn chế do công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chưa được đầu tư thích đáng. Tình trạng sạt lờ bở biển nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long hay sụt lún ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long rất cần có chương trình nghiên cứu, giải pháp xử lý hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững. Đại biểu nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng giúp cho công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Đại biểu Lê Quang Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung chính sách về về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong phòng chống thiên tai bởi phòng, chống thiên tai là công tác khó và phức tạp đối với nước ta trong khi trên thế giới có nhiều nước có kinh nghiệm về vấn đề này như Nhật Bản, Philippin.

Thống nhất với quy định về chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai trong dự thảo Luật, song trong các điều khoản về thông tin truyền thông, giáo dục và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ lại chưa thể hiện nội dung này. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về đào tạo, tập huấn công tác phòng, chống thiên tai và xác định rõ đối tượng nào được đào tạo và đối tượng nào cần được tập huấn.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Quang Trí cũng đề nghị bổ sung quy định về bảo hiểm rủi ro thiên tai cho các công trình tài sản cho người dân trong vùng có nguy cơ cao thiên tai. Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu nên việc xây dựng và bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai và kết hợp phòng, chống thiên tai là rất cần thiết. Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực có hạn nên cần tập trung cho các công trình cấp thiết nhất như trong giai đoạn hiện nay rất cần các công trình ao hồ điều tiết nước cho đồng bằng sông Cửu Long nhằm ứng phó hạn hán, chống ngập lụt, chủ động nguồn nước tưới và sinh hoạt, không bị động bởi nguồn nước từ các đập trên sông Mê Kông. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung điều khoản về các công trình phòng, chống thiên tai cần ưu tiên đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung quy định về cơ chế đặc thù đối với một số hoạt động liên quan đến khôi phục, sửa chửa các công trình hoặc xử lý phòng, chống thiên tai quy mô nhỏ trong trường hợp khẩn cấp.

Cân nhắc việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương

Tán thành với việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐQBH tỉnh Đồng Tháp, cũng lưu ý qua giám sát về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã phát hiện nhiều tổ chức sử dụng quỹ phức tạp, thu chi khó kiểm soát nên cần có quy định chặt chẽ để không phát sinh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐQBH tỉnh Đồng Tháp

Còn đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị cần cân nhắc đối với việc thành lập quỹ này, cần xem xét có chồng chéo với nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ là đầu mối trong quản lý, tiếp nhận nguồn viện trợ nhân đạo. Đại biểu đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Quỹ này và Hội Chữ thập đỏ, nguyên tắc trong mối quan hệ với quỹ địa phương, cần thiết có cơ chế điều hòa giữa trung ương với địa phương.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai, phản ánh nguồn thu của quỹ phòng, chống thiên tai ở địa phương phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp của địa phương. Do đó, bằng một mệnh lệnh hành chính mà điều chuyển quỹ của địa phương về quỹ trung ương là chưa hợp lý.

Ngoài ra, tại phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm cho ý kiến về việc lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; công tác điều tra cơ bản...

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Nguồn: quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN