Quốc hội tán thành đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước

04/11/2015 - 07:26
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Ngô Văn Minh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 10, chiều 3-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.

Cần siết chặt chi tiêu ngân sách

Thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2015, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ. Nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%), một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá ổn định là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn vì tình hình kinh tế thế giới và khu vực chưa thực sự ổn định; môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước chưa được cải thiện nhiều, giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng; thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh; tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm.

Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2015. Cơ cấu thu cũng đã có thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, mức độ huy động vào ngân sách nhà nước từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng so với các năm trước, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ của một số Bộ, ngành và nhiều địa phương chưa đảm bảo tiến độ. Một số địa phương có nhiều khoản chi chính sách, chế độ đã có trong dự toán nhưng ngân sách nhà nước còn nợ, cấp vốn chậm, dẫn đến các địa phương có nguồn thu ngân sách thấp gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.

Theo Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam), trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và áp lực việc thu ngân sách, Chính phủ đã có những giải pháp nhằm siết chặt chi tiêu. Tuy nhiên, việc chi ngân sách vẫn còn nhiều bất cập. Ngân sách vẫn còn được chi khá nhiều cho việc tổ chức các lễ hội, sự kiện. Phần ngân sách chi cho đi công tác nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng cao. Trong khi đó chi cho đầu tư phát triển, nhất là chi xây dựng cơ bản và chi thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm nên hiệu quả không cao; thậm chí lãng phí. Kỷ luật, kỷ cương tài chính trong chi tiêu ngân sách nhà nước chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.

Để tiết kiệm bội chi ngân sách, dành nguồn lực để đầu tư phát triển, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường tinh giảm biên chế đối với công chức, viên chức và gắn với việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; giảm bớt khâu trung gian, tăng cường kiêm nhiệm, nhất là thể chế hóa các chức doanh người đứng đầu cơ quan nhà nước. Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách phát triển những cơ sở cung ứng dịch vụ công, công ích theo hướng công bằng, lành mạnh giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập. Nhà nước thực hiện chế độ hỗ trợ trực tiếp người hưởng thụ, để có quyền lựa chọn cơ sở cung ứng dịch vụ công tốt hơn. Mặt khác, Chính phủ cần triệt để phân cấp giao quyền, ủy quyền trong quản lý, tổ chức bộ máy công chức, cán bộ; quy định rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu cả về trách nhiệm công vụ lẫn bồi hoàn vật chất nếu xảy ra sai phạm; cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, thay vì bao biện làm thay.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng cũng nhấn mạnh Chính phủ cần đổi mới cơ chế tuyển dụng cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, có sự giám sát của xã hội; bổ sung cơ chế phân bổ dự toán ngân sách theo sản phẩm đầu ra; theo hiệu quả nội dung công việc được giao, theo số học sinh được giáo dục, đào tạo và có tính đến tỷ lệ học sinh được xã hội đón nhận, sử dụng sau đào tạo; theo số bệnh nhân được khám, điều trị và có tính đến tỷ lệ bệnh nhân hài lòng với kết quả khám chữa bệnh. Song song với đó, Chính phủ cần đổi mới cơ chế tiền lương, tiền thưởng theo hướng bao gồm cả hệ số lương cơ bản theo ngạch bậc và cộng hệ số hiệu quả đóng theo mức độ, năng lực sáng tạo, cống hiến; tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường lành mạnh, thông thoáng để đẩy mạnh việc thu hút nguồn lực thông qua mô hình hợp tác, đối tác công, tư.

Bảo đảm cơ cấu vốn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương

Về phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Chính phủ về những nguyên tắc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.

Các đại biểu nhấn mạnh một số nguyên tắc sau: Bảo đảm cơ cấu vốn giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, gắn với yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, chi phối và điều tiết nền kinh tế; cơ cấu vốn hợp lý giữa các vùng, miền trong cả nước.

Bảo đảm đúng các tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách: Đối với chi thường xuyên, tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010; đối với chi đầu tư phát triển, thực hiện theo Nghị quyết số 1023/UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đảm bảo triệt để tiết kiệm, sắp xếp theo trật tự ưu tiên, không tạo ra độ chênh lệch quá lớn giữa trung ương và địa phương, giữa các vùng miền.

Quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp; các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, hạn hán, bão lũ; đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Phân bổ vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; tập trung trả nợ xây dựng cơ bản, thu hồi vốn tạm ứng, còn lại bố trí cho các dự án công trình hoàn thành năm 2016, các dự án, công trình cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt; hạn chế tối đa khởi công các công trình mới không mang tính cấp bách.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng từ kinh nghiệm lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, công tác lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 cần làm chặt chẽ hơn, trong đó cần lưu ý một số điểm. Một là, trong dự toán nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2016 cần tính toán kỹ tỷ trọng nguồn thu, nhất là thu từ dầu khí. Diễn biến giá dầu thế giới và những tác động của nó đối với nền kinh tế nói chung và tình hình thu ngân sách nói riêng cần được dự báo sát với thực tế để từ đó có các kịch bản ứng phó, tránh bị động.

Hai là, cần rà soát kỹ các khoản thu cả của trung ương lẫn địa phương hiện nay. Trên cơ sở đó lập dự toán ngân sách nhà nước cho chính xác với thực tế nhằm thu đúng, thu đủ theo dự toán, tránh tình trạng tăng thu đột biến từ các nguồn nằm ngoài dự toán.

Ba là, mục tiêu huy động từ thuế, phí và lệ phí không thấp hơn 20% GDP/năm là phù hợp với xu hướng chung của các nước.

Đại biểu này cũng nêu rõ việc tổ chức thực hiện phải làm cho phù hợp để tránh cú “sốc” cho các doanh nghiệp và người dân. Làm sao để việc thu thuế vừa tăng thu cho ngân sách, vừa đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.

Bốn là, về chi ngân sách, trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay, cần ưu tiên ngân sách cho các khoản chi thật sự cần thiết về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng-an ninh và an sinh xã hội. Tăng chi đầu tư phát triển nhưng cần có chọn lọc, tránh dàn trải. Kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết để tranh lãng phí, giãn tiến độ bố trí vốn đầu tư đối với những công trình, dự án chưa thật sự cấp bách.

Năm là, duy trì và xiết chặt ký luật, kỷ cương tài chính trong thu, chi ngân sách nhà nước. Hạn chế tối cao việc tăng tỷ lệ bội chi ngân sách và tăng tổng mức nợ công vượt ngưỡng an toàn. Đề nghị Quốc hội tăng cường vai trò giám sát đối với Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong việc sử dụng trái phiếu Chính phủ để huy động vốn bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước.

Thống nhất các nguyên tắc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư

Thảo luận về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, đa số ý kiến thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư. Theo đó, các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư này cần phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội quyết định hoặc là các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với hai tuyến đường này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ tính cấp bách, cần thiết của từng dự án để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhất trí với phương án sử dụng số vốn còn dư vào việc đầu tư các dự án trên Quốc lộ 1A đường Hồ Chí Minh đã bố trí nguồn vốn khác như vốn ODA nhưng giờ khó khăn không có khả năng thực hiện; đầu tư vào các dự án kết nối để tăng tính đồng bộ của hệ thống giao thông, tăng tính hiệu quả của hai dự án này. Ngoài ra nên đầu tư vào những dự án trong danh mục dự án trái phiếu Chính phủ như Nghị quyết của Quốc hội đã nêu.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cơ bản nhất trí với nguyên tắc bố trí vốn, đó là ưu tiên, bố trí để hoàn thành các dự án trên Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; một số công trình có tính chất kết nối với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nếu theo nguyên tắc cũng như các danh mục mà Chính phủ đã trình với Quốc hội thì còn chưa đủ và cần bổ sung thêm danh mục nữa phù hợp với tiêu chí mà Tờ trình đã đề ra là hỗ trợ dự án đầu tư, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ thị xã Bình Long đi thị trấn Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) có chiều dài 32km. Bởi, đây là điểm cuối của đoạn đường Hồ Chí Minh; thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ.

Mặt khác, đoạn đường này đang gặp khó khăn về vốn và khó thực hiện, mặc dù các nhà đầu tư và tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ. Dự án này đã khởi công từ năm 2011 và đã kéo dài 5 năm nhưng đến nay vẫn dang dở do thiếu vốn; không có khả năng huy động nguồn vốn tiếp...

Báo cáo giải trình thêm trước Quốc hội xung quanh số vốn dư hơn 14.000 tỷ đồng trong dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết hai dự án này được hoàn thành trước thời hạn là nhờ sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án giảm vốn so với dự kiến.

Trước băn khoăn của một số đại biểu cho rằng liệu có phải việc lập dự toán quá cao nên mới có số vốn dư lớn như vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc lập tổng mức đầu tư, lập dự toán đều theo quy định của Luật Xây dựng cùng nhiều thông tư hướng dẫn của Chính phủ.

Tại phiên làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và cơ bản nhất trí việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ và việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế.

Theo chương trình, sáng mai (4/11), Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật Đấu giá tài sản; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi)./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN