BDK.VN - Thực hiện theo Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 13-11-2024, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày cáo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng số thu và chi ngân sách trung ương năm 2025 cụ thể như sau:
Tổng số thu ngân sách trung ương là 1.020.164 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỷ đồng. Sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.
Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỷ đồng, trong đó: dự toán 248.786 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách (đã bao gồm khoản bổ sung cân đối tăng 2% so với dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và tăng 917,3 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh Nghệ An để thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An), dự toán bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (đã bao gồm số bổ sung 14.434,4 tỷ đồng để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2025 không thấp hơn dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2023).
Quốc hội thực hiện phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, cụ thể:
Phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 theo từng lĩnh vực và chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương theo các phụ lục số I, II, III và IV kèm theo Nghị quyết. Trong đó: Chi bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương: 248.786 tỷ đồng; Chi ngân sách trung ương theo lĩnh vực: 1.191.768 tỷ đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển: 315.000 tỷ đồng; Chi dự trữ quốc gia: 1.850 tỷ đồng; Chi trả nợ lãi: 107.400 tỷ đồng; Chi viện trợ: 2.950 tỷ đồng; Chi thường xuyên: 726.068 tỷ đồng; Dự phòng ngân sách trung ương: 38.500 tỷ đồng.
Phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo phụ lục số V kèm theo Nghị quyết này với tổng số 53.528.871 triệu đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 32.139.424 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: 11.972.447 triệu đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: 7.205.000 triệu đồng.
Số bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương, mức bội thu, mức vay bù đắp bội chi, vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo Phụ lục số VI, Phụ lục số VII, Phụ lục số VIII kèm theo Nghị quyết.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2025, vốn đối ứng các dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn ngân sách nhà nước tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp theo tiến độ; sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, bội chi ngân sách địa phương, tổng mức vay của ngân sách địa phương (bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc), quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tiếp tục thực hiện phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2025 theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15-6-2018 của Quốc hội.
Từ năm 2024 thực hiện điều tiết ngân sách trung ương hưởng 100% đối với số thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Nguồn thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô (sau khi trừ chi phí tổ chức thu) nộp ngân sách trung ương 100% và thực hiện phân chia 65% số thu cho ngân sách trung ương và bố trí dự toán ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ.
Sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển; ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế; phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.
Bố trí chi thường xuyên lĩnh vực các hoạt động kinh tế 5.307 tỷ đồng tương ứng 85% nguồn thu xử phạt hành chính trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thực nộp ngân sách nhà nước năm 2023 cho Bộ Công an để chi cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, 936,5 tỷ đồng (tương ứng 15% số phát sinh thực tế trên địa bàn địa phương) bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn các địa phương.
Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối, thực hiện phân bổ khoản kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ bù mặt bằng chi cân đối ngân sách địa phương năm 2025 đảm bảo không thấp hơn năm 2023 để thực hiện các nhiệm vụ chi cân đối ngân sách địa phương (không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể). Thực hiện hỗ trợ các địa phương khó khăn, không cân đối nguồn thực hiện các nhiệm vụ Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Sử dụng phần kinh phí dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương, theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng.
Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước. Chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương chủ chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương rà soát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình thực hiện các Chương trình trong quý I-2025.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị của trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu, tính đầy đủ, tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi và các điều kiện giao dự toán theo đúng quy định của pháp luật; quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí được phân bổ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật liên quan; bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.