Quốc hội cần cân nhắc việc áp dụng chính sách sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng
07/06/2024 - 12:49
BDK.VN - Ngày 6-6-2024, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy thảo luận tại hội trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cơ bản đồng tình với việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An, là tỉnh có bề dày lịch sử, vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, cần chính sách đặc thù để phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đại biểu đồng tình cao với việc áp dụng 2 chính sách tương tự với các địa phương khác, 8 chính sách tương tự nhưng có điều chỉnh, bổ sung và 2 chính sách mới.
Đi vào các chính sách cụ thể, đại biểu có một số ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc việc áp dụng chính sách sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại khoản 2 Điều 5 dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Theo đại biểu,Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng đã khẳng định không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác trừ dự án phục vụ quốc phòng - an ninh; dự án đặc biệt, cấp thiết. Kết luận số 61-KL/TW ngày 17-8-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW đã nhấn mạnh: Tăng độ che phủ rừng, thực hiện nghiêm quy định chỉ được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên phục vụ quốc phòng - an ninh, dự án quan trọng quốc gia và dự án cấp thiết khác.
Để cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Luật Lâm nghiệp quy định việc chuyển mục đích sử dụng rừng phải trồng rừng thay thế nhằm hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng rừng. Việc trồng rừng thay thế là biện pháp tình thế để bù đắp diện tích rừng đã mất do triển khai dự án và phải đảm bảo nguyên tắc mất rừng thì phải trồng bù. Nếu Quốc hội đồng ý với việc áp dụng chính sách này sẽ có thể dẫn đến nguy cơ giảm diện tích rừng, càng khuyến khích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bởi vì càng có nhiều dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng thì càng thu được nhiều tiền từ chuyển mục đích sử dụng rừng lại vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Hiện, đã có 10 tỉnh, thành trong cả nước có nghị quyết đặc thù, trong đó có Nghị quyết số 36/2021/QH15 cho phép HĐND tỉnh tỉnh Nghệ An được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha cho mỗi dự án. Nếu chính sách này được tiếp tục áp dụng thuận lợi cho Nghệ An thì cũng sẽ tạo tiền lệ cho các tỉnh có rừng khác. Điều đó có thể dẫn đến giảm tỷ lệ che phủ rừng bình quân của cả nước, là một trong những chỉ tiêu Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Thứ hai, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh thực chất là biện pháp bảo vệ để cho cây phát triển tự nhiên ở những vị trí rừng thưa, dưới mức tiêu chí thành rừng. Báo cáo đánh giá tác động chính sách cho thấy, việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung đã được quy định tại Điều 45 của Luật Lâm nghiệp nhưng Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNTngày 15-12-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp chỉ mới quy định 4 hình thức trồng rừng thay thế, chưa quy định hình thức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung. Do đó, nếu thật sự cần thiết và phù hợp với điều kiện của các địa phương không còn quỹ đất lâm nghiệp để trồng rừng thay thế, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT để làm căn cứ pháp lý áp dụng cho tất cả các tỉnh có rừng, không nhất thiết phải đưa vào Nghị quyết đặc thù.
Thứ ba, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách, quỹ đất lâm nghiệp chưa có rừng đủ điều kiện trồng rừng thay thế rất manh mún, ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện thi công khó khăn, có điều kiện lập địa là núi đá nên việc trồng rừng thay thế là khó khả thi. Điều này cho thấy dù có sự can thiệp trực tiếp của con người mà việc hình thành rừng còn khó khăn thì việc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh chỉ là để cây tự phục hồi, tái sinh trong địa bàn như vậy còn khó hơn nhiều nếu cây tái sinh được thì cũng đã tái sinh, không để đến đất chưa có rừng như báo cáo đã nêu. Chưa kể việc kiểm soát, giám sát, kiểm kê, nghiệm thu kết quả cũng không đơn giản và cũng tốn nhiều chi phí, dễ dẫn đến tiêu cực làm thất thoát ngân sách nhà nước mà báo cáo đánh giá tác động chưa dự báo và đề xuất các giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu. Qua giám sát ở nhiều địa phương việc trồng rừng thay thế mặc dù ở các vị trí giao thông khá thuận lợi, dễ tiếp cận, kiểm soát, với quy trình 1 năm trồng 3 năm chăm sóc mà chất lượng rừng trồng còn chưa cao thì khó đảm bảo cây rừng tự tái sinh mà có thể thành rừng trong thời gian thí điểm của nghị quyết.
Thứ tư, theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, biện pháp nào thì áp dụng đơn giá đó. Báo cáo đánh giá tác động chính sách cho thấy nếu có phương án trồng rừng thay thế thì được áp dụng định mức là 156 triệu/ha, nhưng nếu chỉ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thì chỉ được áp dụng định mức 36 triệu đồng/ha và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung là 56 triệu đồng/ha nên thực tế không thể có khoảng chênh lệch như báo cáo đã nêu. Nếu chỉ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung mà lại áp dụng định mức của trồng mới rừng sẽ làm tăng chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với các dự án đầu tư công có chuyển mục đích sử dụng rừng hoặc có thể dẫn đến khó thu hút đầu tư các dự án đầu tư tư nhân để phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm,theo phản ánh của nhiều địa phương, các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao thường nghèo và kinh phí khoán bảo vệ rừng chưa hấp dẫn các tỉnh phát triển thêm rừng. Tuy nhiên, Chính phủ đang xây dựng cơ chế và sàn giao dịch tín chỉ các-bon rừng và thí điểm chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữa các-bon rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững và tăng trưởng xanh, trong đó có tỉnh Nghệ An. Do vậy, việc gia tăng diện tích rừng chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ việc trồng rừng thay thế từ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng. Từ những lý do và phân tích trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc việc cho phép tỉnh Nghệ An áp dụng chính sách đặc thù này.