Trải dài bên bờ công viên Hùng Vương, Con đường dừa và Liên hoan Ẩm thực xứ Dừa đã thật sự tạo được dấu ấn đặc biệt trong những ngày diễn ra Festival Dừa lần thứ III năm 2012. Dẫu không phải với mục tiêu kinh doanh nhưng doanh thu từ các gian hàng giới thiệu sản phẩm xứ Dừa trong các ngày diễn ra lễ hội đạt trên 6 tỷ đồng, cùng với trên 90 ngàn lượt khách thưởng lãm đã phần nào minh chứng sức hấp dẫn của các hoạt động này.
Khách tham quan Con đường dừa. Ảnh: Đ.C
Con đường dừa với nhiều ấn tượng
Trong suốt thời gian “mở cửa”, từ ngày 5 đến ngày 10-4-2012, Con đường dừa đã tái tạo lại những hình ảnh rất gần gũi, thân thương, mang đậm nét đặc trưng của quê hương xứ Dừa. Tới Con đường dừa, khách tham quan như được đi ngược thời gian, trở về quá khứ của tuổi thơ ở một vùng quê. Nơi đó, có con đường làng, bến nước, cây cầu dừa… Tới ngôi nhà dừa, nhiều người đã dừng chân lại rất lâu, quan sát rất kỹ cách bày trí trong nhà: từ bộ cửa, khung nhà, tấm vách, mái lá, tủ thờ, cái bàn, chiếc giường, bộ ván, giàn bếp, nhà củi… cho đến sàn nước, bờ ao, đám mạ, gốc dừa, bụi chuối, khóm tre, cây ớt… tất cả đều rất mộc mạc, chân quê. Một số người quá xúc động đã không cầm được nước mắt, sau đó, họ đã chụp rất nhiều ảnh, quay phim để lưu niệm cho chuyến đi kỳ thú này… Khách tham quan được chứng kiến và thưởng thức các món ăn, thức uống làm từ dừa và nghệ thuật đờn ca tài tử của các nghệ nhân xứ Dừa. Đến các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ từ chất liệu dừa, rất nhiều người đã ghé vào mua vài thứ để làm quà tặng.
Trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư Đoàn Viết Hồng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Con đường dừa đã gửi được thông điệp đến với mọi người. Những ai đã tới đây, đi qua con đường này đều có ký ức, gợi nhớ về quê hương, về cây dừa Bến Tre. Theo tôi, Con đường dừa đã thành công trong việc quảng bá, giới thiệu về cây dừa, các sản phẩm từ dừa và nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Dừa”.
Hương vị quê dừa
31 đơn vị (10 đơn vị ngoài tỉnh) với 42 gian hàng đã mang đến Liên hoan Ẩm thực xứ Dừa các món ăn độc đáo của Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Hàng trăm món ăn từ dừa như: ốc xào dừa, kiểm, chuối già quết dừa... cùng với nghệ thuật chế biến tại chỗ đã tạo được điểm nhấn đặc biệt.
Chị Mảng (Hội Phụ nữ Thạnh Phú) hơi bẽn lẽn khi nói về những ngày “kinh doanh” bánh dừa Giồng Luông của mình: Nào giờ toàn đi làm việc, đâu có buôn bán gì đâu. Với mục tiêu phục vụ, giới thiệu đặc sản của địa phương với du khách, tôi thật sự bất ngờ khi có quá nhiều người quan tâm đến thương hiệu bánh dừa Giồng Luông”. Mỗi ngày, gian hàng của chị Mảng bán khoảng 500 bánh dừa. Do chưa lường trước được sức mua, nên chị luôn bị tình trạng không đủ bánh bán cho du khách.
Bánh phồng Sơn Đốc, bánh xèo hến, nước màu dừa, nước dừa tươi và những sản phẩm làm từ nước dừa tươi… là những món ăn, thức uống thu hút khách. Chị Nho (Chợ Lách) cho biết, mỗi ngày chị bán bánh xèo hến, doanh thu từ 8-9 triệu đồng. Còn chị Thu (nấu ăn Thu Trang) không đặt mục tiêu kinh doanh khi tham gia, song doanh thu đã làm chị không khỏi giật mình: từ 28 đến 35 triệu đồng/ngày.
Với mục tiêu giới thiệu đặc sản xứ Dừa nên các hoạt động giao lưu văn hóa ẩm thực, giới thiệu, trình diễn nghệ thuật chế biến món ăn được đặc biệt chú trọng. Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Hội Nhà bếp TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất với Hội LHPN tỉnh sẽ mở lớp hướng dẫn kỹ thuật chế biến và trình bày món ăn. Các đơn vị doanh nghiệp, nhà hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ được mời tham gia lớp học đặc biệt này.
Đường quê giữa lòng đô thị cùng với những món ăn thôn dã đậm nét xứ Dừa, tất cả cùng làm nên một phong cách riêng, ấn tượng cho Festival.
* Nghệ thuật gấp xếp, tạo hình sản phẩm bằng lá dừa thu hút du khách “nhí”
Nằm trên Con đường dừa, gian hàng của Công ty TNHH tổ chức sự kiện - du lịch Nam Mekong (thành phố Bến Tre) đã chọn cách giới thiệu với du khách xa gần một khía cạnh khác của dừa, đó là nghệ thuật gấp xếp, tạo hình sản phẩm bằng lá dừa. Trong 6 ngày diễn ra Fetival Dừa, gian hàng đã thu hút rất đông du khách đến xem và học cách gấp xếp, nhất là những du khách “nhí”. Từ kèn lá, chong chóng đến công, phụng, cá, cào cào, cua, nem lầu… đều được gấp xếp bằng lá dừa trông thật xinh xắn, lạ mắt. Đại diện Công ty Nam Mekong cho biết, để làm ra những sản phẩm này, họ đã cất công đến Mỏ Cày Nam - huyện nổi tiếng là nhiều dừa nhất của tỉnh, để tìm gặp và học người dân nơi đây cách gấp xếp từng con vật, từng món đồ chơi.
Ngoài việc hướng dẫn cách gấp xếp, gian hàng của Công ty Nam Mekong còn bán và tặng những sản phẩm này cho du khách. Số tiền thu được dùng để hỗ trợ cho người già tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
T.Thảo |