Tranh tái hiện cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta. (Ảnh PV chụp lại tại nhà truyền thống Đồng Khởi).
Quê hương Đồng khởi
Phản bội Hiệp định Giơ-ne-vơ ngay từ đầu, ở miền Nam, Mỹ - Diệm ra sức đàn áp khốc liệt những người kháng chiến cũ và đồng bào yêu nước. Riêng tại Bến Tre, từ năm 1954 đến năm 1959, Mỹ - Diệm đã giết hại trên 2.500 người, bắt bỏ tù 17.000 người, hàng vạn người bị đánh đập khảo tra. Trong 2.000 cán bộ, đảng viên ở lại sau tập kết trong tỉnh, đến cuối năm 1959 chỉ còn 18 chi bộ với 162 đảng viên trong 115 xã.
Không thể khoanh tay chờ chết, không còn con đường nào khác, Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra đời, đã chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là: giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và tay sai. Phương pháp cách mạng là dùng bạo lực: “Dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Đồng chí Nguyễn Thị Định (Ba Định) lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy, đi tiếp thu Nghị quyết số 15 từ căn cứ Liên Tỉnh ủy ở Đồng Tháp về đến Bến Tre vào cuối tháng 12-1959, đã gấp rút triển khai lại cho một số đồng chí trong Tỉnh ủy và Huyện ủy Mỏ Cày tại nhà bà Bảy Tốt, ấp Tân Hòa, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam) vào ngày 3-1-1960. Tại hội nghị này, đã quyết định lấy ngày 17-1-1960 sẽ nổi dậy đồng loạt trong toàn tỉnh và chọn 3 xã điểm: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Lần đầu tiên đồng chí Ba Định dùng khái niệm “Đồng khởi”, và đồng chí giải thích: “Đồng khởi tức là phải đồng lòng, đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa” (Hồi ký của đồng chí Trần Văn Giàu (Ba Cầu) - lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
Trong cuộc nổi dậy thắng lợi vang dội ở 3 xã điểm Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh và đồng loạt trên toàn tỉnh ngày 17-1-1960, theo cố Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị, là một trong những người tham gia lực lượng vũ trang đầu tiên trong Đồng khởi kể lại, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đã dùng khái niệm “Đồng khởi” để nói về cuộc nổi dậy của mình.
Trong cuộc hội nghị Tỉnh ủy giữa tháng 4-1960, tại xã Châu Bình (Giồng Trôm) sơ kết hơn 3 tháng Đảng bộ và nhân dân thực hiện Nghị quyết số 15, đã sử dụng khái niệm “Đồng khởi” và định nghĩa là: “đồng lòng, đồng loạt khởi nghĩa”. Hội nghị này đã kết luận: “Toàn tỉnh dù cơ sở đảng, quần chúng, binh vận mạnh yếu, ít nhiều đều phải “đồng lòng, đồng loạt, khởi nghĩa, phải Đồng khởi” mới thắng lợi” (Huyền thoại quê hương Đồng Khởi - Trang 138 - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2008).
Từ sau hội nghị Tỉnh ủy tổng kết phong trào nổi dậy khởi nghĩa trong toàn tỉnh, ở Châu Bình (Giồng Trôm) khái niệm “Đồng khởi” được sử dụng rộng rãi không chỉ trong tỉnh mà Đảng ta đã chính thức đưa vào văn kiện, gọi cuộc nổi dậy của nhân dân toàn miền Nam thực hiện Nghị quyết số 15 là cuộc Đồng khởi. Hồi ấy, nói đến “Bến Tre” thì khái niệm tiếp theo là “Quê hương Đồng Khởi”.
Nhà sử học Trần Văn Giàu đã viết: “Bến Tre là “quê hương Đồng Khởi”, bởi lẽ nó đúng với sự thật của lịch sử. Ở Trà Bồng, ở Dầu Tiếng, ở Tây Ninh, ở Gò Măng Đa, ở Bạc Liêu mà trước đó có những trận diệt đồn địch lấy súng, lấy lương… mà không có khởi nghĩa của nhân dân kèm theo” (Trang 7 - Nhớ chị Ba Định - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội - 2008).
Trận đầu ra quân
Tiếng súng Đồng khởi mở đầu bằng trận đánh tay không cướp súng, diệt đội Tý, nổ ra vào sáng ngày 17-1-1960, tại xã Định Thủy. Khí thế quần chúng cách mạng dâng cao ngút trời. Trong ngày 17-1 giải phóng xã Đinh Thủy. Đêm 17 rạng 18-1, nhân dân nổi trống mõ, vây hãm bức rút 2 đồn địch giải phóng thêm 2 xã Phước Hiệp, Bình Khánh. Cùng thời điểm các xã Hương Mỹ, Minh Đức, Tân Trung, Cẩm Sơn, Ngãi Đăng… nhân dân đã đồng loạt nổi dậy. Cùng với Mỏ Cày, các huyện trong tỉnh cũng đã nổi dậy, gỡ đồn bót, diệt ác ôn, giành quyền làm chủ.
Địch điên cuồng phản kích, đánh vào 3 xã điểm của tỉnh. Ngày 21-1-1960, chúng đưa một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và một đại đội Bảo an đến càn quét tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Bọn địch ngày đêm lùng sục, bắt bớ, tra tấn bắn giết bừa bãi. Điển hình ở Phước Hiệp có những vụ chúng chặt đầu, mổ bụng, moi gan và giết chết hàng loạt người, như vụ chôn chung một hố 39 người, cả người còn sống tại chợ Phước Hiệp; bắt mổ bụng 5 người, kéo ra phơi thây giữa đường đi ở Ấp 4, xã Phước Hiệp. Đối với phụ nữ ở nhà, chúng công khai cướp bóc, hãm hiếp. Chưa bao giờ người dân chứng kiến cảnh đàn áp, giết người man rợ như thế. Nhân dân hoang mang lo sợ, nhưng ngọn lửa căm thù cũng dâng cao tột độ.
Tình hình trên đã đặt các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện, xã vào tình huống vô cùng lo lắng. Làm thế nào để giữ vững tinh thần của quần chúng trong điều kiện lực lượng đã mất thế hợp pháp, tinh thần đang xuống, phải làm thế nào để đẩy mạnh đấu tranh chính trị trực diện, mà vẫn giữ thế hợp pháp cho quần chúng.
Theo dõi sát mọi diễn biến, đồng chí Nguyễn Tâm Cang (cán bộ chỉ đạo điểm của tỉnh) nhận thấy, để đối phó với địch, bà con gom người lại, vài ba nhà đến ở chung một nhà. Khi giặc đến, sắp xếp cho số nữ thanh ngồi phía sau, mấy bà lớn tuổi đứng chặn phía trước. Nếu chúng tỏ thái độ hung hăng, các bà bình tĩnh, ôn tồn dùng lý lẽ tranh thủ, phân hóa nội bộ địch. Nếu giặc vẫn làm bừa, bắt chị em thanh nữ, dựa vào thế đông người, bà con vừa la khóc kêu cứu, vừa lôi kéo, kiên quyết không để giặc bắt đi.
Đồng chí Nguyễn Tâm Cang đánh giá đây là một hình thức đấu tranh chính trị mới, dựa vào chính sách lừa mị “quốc gia”, “dân chủ” của Diệm đã rêu rao để tạo thế hợp pháp, có thể áp dụng cho quần chúng đấu tranh trực diện với địch ở quy mô lớn hơn. Đồng chí Nguyễn Tâm Cang cùng chi bộ các xã bàn bạc, quyết tâm phát động quần chúng tổ chức cho kỳ được một cuộc đấu tranh chính trị trên thị trấn, để vừa ngăn chặn bớt sự hung hăng của giặc, đồng thời cũng vừa rút kinh nghiệm. Xã Phước Hiệp được chọn làm điểm.
Điều quan trọng là phải có nhân chứng sống để tranh thủ sự đồng tình của binh lính và sự ủng hộ của nhân dân thị trấn. Lúc này, ở Phước Hiệp có nhiều chị em phụ nữ bị bọn thủy quân lục chiến hãm hiếp. Đối với phụ nữ, trinh tiết còn quý hơn cả mạng sống của mình.
Vì vậy, việc đưa người bị hại chịu làm nhân chứng cho cuộc đấu tranh vô cùng nan giải. Ngày 26-2-1960, địch càn vào Ấp 7, Phước Hiệp, hãm hiếp một phụ nữ, nhân dân rất căm phẫn. Nạn nhân là một đoàn viên Thanh lao mới 18 tuổi, thuộc gia đình dám sống chết với cách mạng. Chi bộ phân công đồng chí Phạm Văn Hường - Bí thư Chi bộ, thuyết phục gia đình đưa nạn nhân đi làm nhân chứng cho cuộc đấu tranh này. Bà mẹ là đảng viên, nhưng vẫn còn do dự. Cô gái bị làm nhục kiên quyết đi và đã thuyết phục mẹ, chẳng những đồng tình mà bà còn tự nguyện sẽ dẫn con mình cùng đi tố giác địch.
Dự kiến mọi tình huống, kế hoạch chặt chẽ, từ mờ sáng hôm sau, 27-2-1960, đoàn người đầu tiên có 20 chị em phụ nữ giả danh là đi “tản cư” vượt vòng vây của bọn thủy quân lục chiến tiến về thị trấn Mỏ Cày.
Đoàn “tản cư” dùng ghe đi trót lọt vào thị trấn Mỏ Cày. Khi vào đến khu dinh quận thì bắt đầu tố cáo tội ác của địch. Bọn công an quận chặn lại không cho vào. Người dân thị trấn hiếu kỳ ra xem ngày càng đông. Khi nghe chuyện bất bình, họ phẫn nộ kéo theo hưởng ứng. Đoàn đấu tranh còn được một sĩ quan và một số lính dù đang đi hộ tống tướng Lê Văn Tỵ đến Mỏ Cày khảo sát tình hình, đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy, lực lượng đấu tranh tràn vào mỗi lúc một đông. Thấy thuận lợi, đúng theo kế hoạch, chị Nguyễn Thị Anh (chỉ huy cuộc đấu tranh) bí mật cử chị Phạm Thị Mảnh cấp tốc về báo tin cho chi bộ. Chi bộ xã lập tức báo cho cán bộ chỉ đạo của Huyện ủy, Tỉnh ủy đưa thêm lực lượng đã chuẩn bị sẵn trên 200 người. Đồng thời, chỉ đạo các xã Bình Khánh, Định Thủy, Đa Phước Hội, thị trấn Mỏ Cày... đưa tiếp lực lượng, cuộc đấu tranh ngày càng đông, tổng số lên trên 5.000 người.
Tại dinh quận Mỏ Cày, chị Lê Thị Thoại trực tiếp đưa đơn cho tên Quận trưởng. Chị em dùng lời lẽ tố cáo hành động của bọn thủy quân lục chiến cưỡng hiếp phụ nữ, giết người vô cớ, đốt nhà, cướp của… và xin quận trưởng cho ở lại để tránh bị bắn giết, hãm hiếp... Trước những chứng cứ rõ ràng, lời lẽ có lý có tình của chị em và sức ép của đông đảo quần chúng, tên Quận trưởng phải cho đòi tên Trung úy Châu, Chỉ huy khu vực Phước Hiệp về đối chất và trực tiếp giải quyết yêu sách của nhân dân:
- Chịu đưa người bị hãm hiếp đi chữa bệnh;
- Hứa điều tra nghiêm trị bọn lính có hành động sai trái;
- Cam kết chấm dứt càn quét, khủng bố.
Cuộc đấu tranh chính trị trực diện đầu tiên của chị em phụ nữ giành thắng lợi! Đã tạo niềm tin vào sức mạnh mũi đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân. Cũng là bài học kinh nghiệm, tạo tiền đề cho những cuộc đấu tranh với quy mô rộng lớn hơn sau này.
(Còn tiếp)
Vũ Hồng Thanh