Phù điêu Lực lượng chính trị, quân sự, binh vận trong phong trào Đồng khởi. (Ảnh chụp tại Nhà truyền thống Đồng Khởi)
Đồng khởi thắng lợi
Ngày 17-1-1960, Đồng khởi nổ ra tại xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Định Thủy là nơi nổi dậy đầu tiên ở ba xã điểm, do Tỉnh ủy chỉ đạo. Tại xã có một tiểu đội dân vệ (có 3 cơ sở nội tuyến) đóng tại Công sở (ấp Thanh Thủy) và một tiểu đội tổng đoàn dân vệ tổng Minh Đạt đóng tại Đình Rắn (ấp Định Nhơn). Tổ hành động tay không dùng mưu “ôm hè, bắt hè” giết tên chỉ huy (đội Tý) bao vây tấn công tổng đoàn dân vệ bắt 4 tên, thu 8 súng. Cơ sở nội tuyến gồm Chín Huề, Tư Thậm... chiếm công sở, gọi hàng lính dân vệ, thu 11 súng. Nhân dân nổi dậy, tràn ra đường lùng bắt bọn ác ôn, quét sạch ngụy quân, ngụy quyền sở tại. Đêm 17-1-1960, hàng ngàn đồng bào trương cờ, đốt đuốc họp mít-tinh mừng thắng lợi. Ta tổ chức các đội vũ trang hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy ở hai xã Phước Hiệp và Bình Khánh. Từ tay không vùng dậy, nhân dân có lực lượng vũ trang và bước đầu hình thành cách tiến công địch bằng hai chân, ba mũi. Kết quả tại ba xã điểm do Tỉnh ủy chỉ đạo giành toàn thắng, quét sạch ngụy quân, ngụy quyền tại chỗ. Phong trào Đồng khởi lan rộng ra toàn tỉnh với sức mạnh như nước vỡ bờ. Từ ngày 17 đến 24-1-1960, 47 xã ở Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú nổi dậy. Kết quả, ta diệt 37 đồn, bắt 300 tên, thu 150 súng cùng nhiều đạn dược, giải phóng hoàn toàn 22 xã và 18 ấp.
Ngày 19-1-1960, tại xã Bình Khánh, Bến Tre thành lập đội vũ trang đầu tiên, phiên hiệu Đại đội 264, Ban Chỉ huy đại đội gồm các đồng chí: Lê Văn Trâm (Đại đội trưởng), Nguyễn Văn Ba (Mười Phục) là Chính trị viên, Đinh Văn Chức là Đại đội phó và 3 tiểu đội: 1 tiểu đội đưa về hoạt động võ trang tuyên truyền ở huyện Minh Tân (Bắc Mỏ Cày), 1 tiểu đội đưa về Thạnh Phú, 1 tiểu đội đưa về Mỏ Cày.
Phương châm mới
Trong khi sử dụng lực lượng quân sự đấu tranh vũ trang cần giữ thế hợp pháp để huy động nhân dân tiến công địch trên mặt trận đấu tranh chính trị hình thành thế hai chân, ba mũi khiến địch bất ngờ và không thể chống đỡ nổi.
Ngày 21-1-1960, địch đưa tiểu đoàn thủy quân lục chiến và lính bảo an về tái chiếm Phước Hiệp. Tiểu đội vũ trang xã Định Thủy phục kích diệt 8 tên, thu 1 súng tại cầu Ông Bồng. Đại đội 264 đánh địch ở Bình Khánh diệt 10 tên. Em Hiếu, một thiếu niên ở xã Bình Khánh dùng mã tấu chém chết tên trung úy Lương, chỉ huy thủy quân lục chiến.
Ngày 26-2-1960, một phụ nữ xã Phước Hiệp bị lính bảo an hãm hiếp, 20 chị em đưa nạn nhân lên quận lỵ Mỏ Cày đấu tranh (có 200 chị em đi theo hỗ trợ). Đoàn biểu tình xông thẳng vào quận lỵ tố cáo binh sĩ đàn áp dân. Phẫn uất trước hành động dã man của giặc, nhân dân thị trấn và các xã lân cận gần 5.000 người kéo vào vây kín trụ sở quận, tố cáo binh lính hãm hiếp phụ nữ, cướp của, tàn sát nhân dân. Quận trưởng Mỏ Cày hoảng sợ buộc phải đưa nạn nhân đi chữa trị và hứa trừng trị bọn lính. Cuộc đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù đầu tiên của “Đội quân tóc dài” đã giành thắng lợi.
Ngày 25-3-1960, địch đưa 10.000 quân, do đại tá Đỗ Cao Trí, chỉ huy mở cuộc càn quét lớn vào ba xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh. Địch chia nhiều mũi bao vây chia cắt từng khu vực, chà đi xát lại, quyết tìm diệt lực lượng vũ trang và cơ quan đầu não của tỉnh, dập tắt phong trào Đồng khởi ở Mỏ Cày. Lính thủy quân lục chiến bắn giết, đốt phá, cướp bóc, hãm hiếp dã man, tàn sát 118 người dân vô tội. Ban lãnh đạo quyết định tập trung lực lượng đánh trận đầu giành thắng lợi hạ uy thế địch. Ngày 26-3-1960, ta phục kích ở Ấp 6, xã Phước Hiệp diệt 50 tên, thu một số súng. Bị bất ngờ, địch đạp lên nhau tháo chạy. Bộ đội phân tán, phối hợp với du kích lập ra các tổ bắn tỉa, gài lựu đạn, quần nhau với địch hết ngày này qua ngày khác. Qua 10 ngày chiến đấu, ta giết 200 tên, làm bị thương 100 tên. Bên cạnh đó, ta tổ chức nhân dân trực diện đấu tranh chính trị vào sào huyệt địch. Bộ phận đấu tranh chính trị do đồng chí Nguyễn Thị Định và đồng chí Nguyễn Thị Khao (Út Thắng) phụ trách. Ngày 1-4-1960, ta vận động gần 5.000 đồng bào Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh dùng hàng trăm ghe thuyền chở người già, trẻ con “tản cư ngược” lên quận lỵ Mỏ Cày, nằm ngồi chật kín các đường phố kêu khóc tố cáo lính chủ lực tàn sát dã man người dân vô tội, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết, cướp bóc của cải của nhân dân. Hơn 5.000 phụ nữ ở các xã xung quanh tiếp tục “tản cư ngược” đến quận lỵ để gây áp lực. Khoảng 10.000 người tràn ngập quận lỵ Mỏ Cày, tràn vào chiếm các trường học, bệnh viện, chùa chiền, nhà bưu điện, văn phòng nghị sĩ quốc hội vây kín trụ sở quận. Cuộc đấu tranh kéo dài. Trước sức mạnh đấu tranh quyết liệt của quần chúng, ngày 12-4-1960, địch rút quân khỏi Mỏ Cày. Đây là một bài học lớn, một sáng tạo về phương thức đánh địch bằng phương châm “hai chân, ba mũi” của Đảng bộ, quân và dân Bến Tre trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Trong Đồng khởi, lực lượng chính trị phát triển mạnh được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ, có nhiều kinh nghiệm đấu tranh trực diện với địch. Mỗi xã có 300 đến 1.000 người sẵn sàng xuống đường đi đấu tranh chính trị theo yêu cầu. Bến Tre đã xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng rất hùng hậu, do “Đội quân tóc dài” làm chủ lực, có thể huy động từ 5.000, 10.000 đến 20.000 người cho một cuộc đấu tranh chính trị với khả năng hiệp đồng tiến công địch trên diện rộng. Đây là một thành công lớn của Bến Tre trong phong trào Đồng khởi năm 1960.
Đồng Khởi đợt 2 thắng lợi
Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, hệ thống binh vận phát triển nhanh. Các cơ quan tham mưu của tỉnh đã hình thành đáp ứng với yêu cầu tổ chức và chỉ đạo những cuộc đấu tranh chính trị, quân sự quy mô lớn là điều kiện để tỉnh tiến hành Đồng khởi đợt 2 vào tháng 9-1960 mà trọng điểm là huyện Giồng Trôm.
Quân dân Bến Tre khí thế phấn khởi bước vào Đồng khởi đợt 2. Hồi 15 giờ ngày 24-9-1960, Đồng khởi đợt 2 bắt đầu, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Chống cùng một tiểu đội bảo an (ta giả trang) đến kiểm tra đồn Châu Phú kêu gọi binh lính nộp súng đầu hàng. Ta tiến vào đồn nhà thờ Châu Phú bắt toàn bộ binh lính.
Tại đồn Châu Thới, Đại đội trưởng Chống kêu gọi địch đầu hàng, thu toàn bộ vũ khí. Nhân dân các xã Phong Nẫm, Phong Mỹ, Châu Bình, Châu Hòa cùng du kích kết hợp với nội tuyến bức hàng, bức rút các đồn bót dọc sông Ba Lai, bắt trên 100 tù hàng binh, thu 100 súng mở ra một vùng giải phóng rộng lớn liền kề.
Phối hợp với trọng điểm, hàng chục vạn nhân dân trong tỉnh đồng loạt nổi trống mõ, đốt đuốc, thắp đèn biểu tình thị uy, bao vây phát loa gọi hàng, chiếm đồn bót. Trước sức mạnh của nhân dân, 20 đồn ở Giồng Trôm bị diệt; huyện Ba Tri 10 đồn bị bức hàng; tại Châu Thành, Bình Đại, Thạnh Phú, hàng chục đồn bị triệt hạ, hàng chục xã được giải phóng.
Riêng Mỏ Cày, địch đề phòng tăng cường lực lượng cho các đồn bót, khống chế từng khu vực. Tỉnh quyết định điều Đại đội 261 tăng cường cho Mỏ Cày. Đại đội 261 vượt sông Hàm Luông kết hợp với nội ứng lấy đồn Cái Quao, giải phóng xã An Định. Bọn dân vệ xã Tân Trung rút chạy. Bộ đội bao vây, bức hàng đồn Minh Đức. Một loạt xã tại Nam Mỏ Cày nổi dậy giành quyền làm chủ. Ở Bắc Mỏ Cày, trung đội vũ trang huyện cùng nhân dân bức hàng các đồn Thanh Tân, Tân Phú Tây, bao vây đồn Cái Mơn. Một loạt xã kể cả vùng Thiên chúa giáo cũng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Kết quả sau một năm Đồng khởi, quân và dân Bến Tre đã giải phóng hoàn toàn 51/115 xã, 21 xã được giải phóng một phần. Nhân dân làm chủ 300/500 ấp. Hệ thống chính quyền ngụy ở nông thôn đã bị tan rã khó bề khôi phục.
Cuộc Đồng khởi năm 1960 là biểu tượng của tiềm năng cách mạng và năng lực sáng tạo của quần chúng nhân dân được phát huy cao độ, là sản phẩm đầu tiên của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 khóa II, là cao trào cách mạng của quần chúng lấy lực lượng chính trị làm chính kết hợp với lực lượng binh vận và lực lượng vũ trang nhỏ bé tiến hành cuộc khởi nghĩa từng phần nhằm lật đổ bộ máy chính quyền địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ.
Đồng khởi mới
Lịch sử là một dòng chảy liên tục, phát huy truyền thống Đồng khởi anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẻ vang, sau khi thống nhất đất nước, từ năm 1975 đến 1989, quân và dân Bến Tre bắt tay vào xây dựng lại quê hương, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tham gia bảo vệ biên giới phía Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia.
Từ năm 1990 đến năm 2000, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế rút quân về nước, quân dân Bến Tre tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, quân và dân Bến Tre thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tiến lên thực hiện cuộc “Đồng khởi mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục tập trung phòng chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng với mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa làm cho quê hương Đồng khởi ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ.
(Lược trích tham luận của UBND tỉnh tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia
“Phong trào Đồng khởi 1960 - Bước ngoặt của cách mạng miền Nam”)