Quan tâm nâng cao chất lượng dân số

27/12/2019 - 08:17

BDK - Chiến lược dân số (DS) là một bộ phận quan trọng tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh.

Đầu tư tài lực và nhân lực cho chiến lược phát triển dân số.  Ảnh: Phan Hân

Ưu tiên hàng đầu

Theo phân tích của các chuyên gia trong đóng góp xây dựng tầm nhìn chiến lược của tỉnh, yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực luôn gắn liền sự biến đổi DS cả về số lượng và chất lượng. Do đó, để có sự phát triển bền vững, nguồn nhân lực đảm bảo trong tương lai, tỉnh cần đặc biệt quan tâm để thực hiện các giải pháp mang tính động lực, trong đó chất lượng DS ưu tiên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo cho rằng, mục tiêu của sự phát triển là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi quy mô DS, tốc độ tăng trưởng DS, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực thật sự phù hợp và tác động tích cực đến sự phát triển.

Theo số liệu thống kê về lao động cho thấy, tỷ lệ lực lượng lao động trong tổng DS của Bến Tre đang có xu hướng tăng và cao thứ nhì trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đạt mức 63,8% (năm 2018). Dự báo nguồn lao động dồi dào. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng DS của tỉnh lại chỉ có 0,1% trong giai đoạn 2016 - 2018, thấp nhất ở khu vực. Nguyên nhân chính là do tốc độ tăng trưởng DS tự nhiên giảm dần và xu hướng di dân chưa được cải thiện.

Tình trạng người dân trong độ tuổi lao động rời quê hương, đi làm ăn ở địa phương khác từ lâu đã trở nên quá quen thuộc. Con đường học xong phổ thông rồi đi lên các thành phố lớn để học đại học, sau đó làm việc ở thành phố như TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ dường như đã mặc định sẵn trong tư tưởng của nhiều bạn trẻ.

Tỷ lệ di cư của tỉnh có cải thiện trong những năm gần đây. Cụ thể là từ -15,3% vào năm 2010 và ở mức -5% vào năm 2018. Sự cải thiện này là do trong thời gian này, tỉnh đã hình thành được 2 khu công nghiệp là Giao Long và An Hiệp, góp phần tạo nhiều vị trí việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Phó chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHGÐ) tỉnh Ðỗ Kiên Trinh cho rằng, chiến lược DS là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển của tỉnh. Ðây là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Vì vậy, DS vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Mối quan hệ tương tác giữa DS và phát triển kinh tế - xã hội bền vững phải luôn là mối quan tâm hàng đầu.

Đầu tư cho dân số

Theo phân tích của các chuyên gia, cùng với giải pháp tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương, tỷ lệ di cư có thể được cải thiện nếu tạo dựng được môi trường làm việc tốt. Đồng thời kết nối hạ tầng với TP. Hồ Chí Minh được phát triển thuận lợi hơn.

Bà Ðỗ Kiên Trinh cho biết, để thực hiện chiến lược DS đến năm 2030 cần có sự quyết liệt trong đầu tư tài lực và nhân lực. Sắp tới, ngành sẽ tập trung củng cố, ổn định số lượng cộng tác viên DS cơ sở. Ðồng thời, ngành quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách ưu đãi cho đội ngũ này.

Ðối với đội ngũ viên chức DS của xã, huyện tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực; tập trung đào tạo theo bậc đại học và chuyên sâu về công tác xã hội để có kiến thức làm hoạt động xã hội, đặc biệt tổ chức các mô hình, đề án đạt hiệu quả.

Riêng đội ngũ tuyến tỉnh sẽ tập trung nâng cao trình độ sau đại học về quản lý và công tác xã hội. Song song đó, các nhà quản lý, trưởng ban DS xã, huyện hàng năm đều đào tạo và cập nhật kiến thức về hoạt động của các mô hình đề án.

Bên cạnh nguồn nhân lực, hàng năm, ngành DS-KHHGÐ sẽ tham mưu lãnh đạo tăng kinh phí (khoảng 10% so với năm trước) để đầu tư cho các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chính sách DS. Ngoài hoạt động truyền thông sẽ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... Hoặc là hỗ trợ an sinh xã hội cho người già mà có sinh con toàn là gái.

Theo bà Ðỗ Kiên Trinh, tỉnh còn sử dụng nguồn kinh phí Trung ương nên chưa thực hiện được chính sách hỗ trợ nào. Bắt đầu năm 2020, tỉnh sẽ thực hiện chính sách tự chi trả cho cộng tác viên nhưng vẫn chưa vượt mức tầng.

“Muốn nâng cao chất lượng DS thì phải tầm soát mang tính chất sâu hơn các bệnh tật. Do đó, hàng năm, ngân sách địa phương nên có chính sách riêng cho đối tượng thuộc diện hỗ trợ cũng như cung cấp dịch vụ mà họ không có cơ hội để được hưởng thụ. Tập trung chính sách cho đối tượng sinh con một bề là gái để đầu tư, hỗ trợ các em trong lĩnh vực giáo dục để các em có cơ hội học hành. Ðồng thời, để đảm bảo chiến lược phát triển DS thì tỷ số giới tính khi sinh phải ở mức tự nhiên (từ 103 - 107 bé trai/100 bé gái)”, bà Ðỗ Kiên Trinh cho hay.

Ph. Hân  - Th. Ðồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN