Lực lượng nhặt rác nhân ngày phát động hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.
Mất cân đối thu chi
Phí thu gom, xử lý rác trên địa bàn tỉnh được chuyển thành giá và thực hiện thu theo Quyết định số 66 của UBND tỉnh về việc quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt, sử dụng đò, phà trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt là 20 ngàn đồng/hộ/tháng đối với hộ có từ 4 người trở xuống và được áp dụng địa bàn TP. Bến Tre, Châu Thành; 18 ngàn đồng/hộ/tháng đối với các huyện còn lại.
Phản ánh của nhiều địa phương, giá dịch vụ thu gom rác theo Quyết định số 66, các xã, phường, thị trấn thu không đủ để thanh toán cho đơn vị thu gom. Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Giồng Trôm Nguyễn Thái Hùng cho rằng, ngoài quy trình xử lý còn có quá trình thu gom, vận chuyển, do đó tính theo cự ly các xã xa bãi rác gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều xã phải nợ hàng trăm triệu đồng tiền thu gom, vận chuyển, xử lý rác vì thu không đủ thanh toán cho Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre.
Mặt khác, ghi nhận tại một số xã, việc thực hiện thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn không đạt so với số hộ đăng ký trong sổ bộ. Trường hợp xã Bình Thành (Giồng Trôm), trong sổ bộ có trên 400 hộ đăng ký thu gom rác nhưng hiện tại xã chỉ thu tiền dịch vụ khoảng 300 hộ.
Chủ tịch UBND xã Bình Thành Nguyễn Quốc Hải cho biết: “Tùy theo nhân khẩu, mức giá thu các hộ gia đình từ 18 - 20 ngàn đồng/hộ/tháng, đảm bảo theo quy định của UBND tỉnh. Hàng tháng, nếu truy thu hết danh sách sổ bộ thì cao lắm xã thu được 10 - 11 triệu đồng, nhưng xã phải trả Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre 26 triệu đồng/tháng theo đơn giá tính bằng số ký theo hợp đồng. Nguồn thu thực tế của xã đạt 7 - 8 triệu đồng/tháng, chính điều này làm mất cân đối thu chi”.
“Khi ban hành mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển mới (18 ngàn đồng), nhiều hộ dân không chịu đóng, viện hết lý do này đến lý do khác. Hiện giờ, hộ dân nào có khả năng đóng mức nào xã thu mức đó nhằm truy thu được đồng nào hay đồng nấy để đắp khoản nợ Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre trên 310 triệu đồng”, ông Nguyễn Quốc Hải chia sẻ.
Theo Quyết định số 66, ngân sách sẽ không hỗ trợ giá thu gom, xử lý rác sinh hoạt từ ngày 1-1-2018. Do đó, các xã không đủ bù đắp công tác thu gom, xử lý rác, nợ cứ đọng nợ. Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre Nguyễn Tấn Vũ cho hay, 2 huyện có nhiều địa phương nợ tiền thu gom, vận chuyển rác nhiều là Giồng Trôm và Châu Thành. Đối với các xã có nợ đọng lớn, kéo dài thì buộc lòng phải ngưng thu gom, vận chuyển rác để đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty.
“Thực tế, khi người dân không đóng tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thì việc vận động nộp rất khó khăn, họ tìm cách bỏ rác bừa bãi, không đúng nơi quy định; việc chế tài, xử phạt theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cũng rất khó thực hiện. Công ty đã có kiến nghị UBND các huyện hỗ trợ; đồng thời, đề nghị xã tranh thủ vận động nguồn thu, thu đúng, thu đủ để đảm bảo nguồn chi trả”, ông Nguyễn Tấn Vũ cho hay.
Phó trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Bến Tre Hồ Phước Hưng cho biết, giá đã quy định nhưng còn rất nhiều hộ dân né tránh trách nhiệm trong vấn đề đóng tiền để thuê đơn vị thu gom, thậm chí lén vứt rác tại nơi giáp ranh. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Thành ủy, UBND thành phố yêu cầu Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre dù muốn dù không vẫn phải thu gom hết rác trên địa bàn TP. Bến Tre do người dân bỏ ra. Để đảm bảo công ty duy trì hoạt động, thành phố tạo điều kiện để công ty bù lỗ gần 2 tỷ đồng trong năm 2018.
Cần thực hiện nhiều giải pháp
Đứng trước bài toán “nợ đọng nợ” và áp lực ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, xã Bình Thành có hướng sẽ mời gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thu gom trong dân với phương thức trực tiếp hợp đồng, thỏa thuận giá thu gom với hộ dân miễn sao đảm bảo chi phí hoạt động và trả phí vận chuyển cho Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre.
Ông Nguyễn Quốc Hải cho biết, giải pháp của xã trước nhất là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; hiểu rõ việc nộp phí vệ sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm, góp phần tạo nguồn thu - chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, gắn với công tác tuyên truyền xây dựng mô hình dân vận khéo về xử lý rác thải; tiếp tục rà soát các hộ dân dọc các tuyến đường để có chính xác số hộ dân trong phạm vi đủ điều kiện thu sẽ đưa vào danh sách sổ bộ. Hộ có điều kiện xử lý rác tại gia đình thì hướng dẫn xử lý đúng quy cách để giảm lượng rác tập trung.
Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Võ Văn Ngoan cho biết, các địa phương nên khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực quản lý tại địa phương. Về chuyên môn, ngành sẽ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Tham mưu UBND tỉnh đầu tư nâng cấp các bãi rác hiện hữu, giải quyết các vấn đề ô nhiễm và xử lý triệt để lượng rác phát sinh.
“Ngành môi trường sẽ gắn với UBND cấp huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý chất thải; thực hiện nghiêm việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường các bãi chôn lấp để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng. Dự kiến, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị quản lý chất thải rắn để các ban, ngành cùng các chuyên gia có chia sẻ, đề xuất giải pháp quản lý, xử lý chất thải rắn hiệu quả”, ông Võ Văn Ngoan thông tin.
- Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre Nguyễn Tấn Vũ: Theo ước tính phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác (chưa tính chi phí xử lý rác và phân loại đô thị), mỗi hộ dân phải nộp giá dịch vụ trên 70 ngàn đồng/tháng mới đảm bảo quy trình thu gom, vận chuyển.
- Bà Phan Kim Ngân - người dân ở thị trấn Bình Đại: Chấp nhận phí dịch vụ thu gom cao nhưng đơn vị phải đảm bảo việc lấy rác hàng ngày tránh gây ô nhiễm môi trường sống.
- Bà Đỗ Thị Mỹ Dung - hộ kinh doanh ở thị trấn Giồng Trôm: Thải rác nhiều phải đóng phí nhiều vậy là công bằng cho tất cả người thải rác không phân biệt người dân và công ty, xí nghiệp. Người dân thu nhập thấp thì phải biết gìn giữ môi trường cũng như quản lý rác thải của gia đình cho phù hợp với chi phí sinh hoạt. “Đánh” vô kinh tế người dân mới tuân thủ.
|
Bài, ảnh: Phan Hân