Quản lý hiệu quả sâu ăn lá dừa theo hướng sinh học

27/04/2022 - 06:10

BDK.VN - Chiều 26-4-2022, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Quản lý hiệu quả sâu ăn lá dừa (sâu đầu đen hại dừa) theo hướng sinh học”.

Đại biểu tham gia hội thảo.

Phó giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam Huỳnh Thị Ngọc Diễm, Phó chủ tịch Hiệp hội dừa Nguyễn Trung Chương, Phó giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Bùi Trường Thọ, đại diện các chi cục có liên quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại biểu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện tham dự.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam cho biết: Sâu đầu đen được phát hiện từ tháng 7-2020, tại huyện Bình Đại, với diện tích ban đầu khoảng 2,4ha, sau đó lan rộng ra các huyện khác như: Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và TP. Bến Tre. Tính đến nay, tổng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công trên toàn tỉnh gần 1.000ha.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Đạt - giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, hiện nay đã phát hiện được 10 loài thiên địch để diệt trừ sâu đầu đen ở Bến Tre. Trong đó, có một số loài thiên địch hoạt động rất tốt tại một số nước trồng dừa như: Ấn Độ, Thái Lan.

Có nhiều cách phòng ngừa, đầu tiên khi phát hiện dừa bị sâu đầu đen tấn công thì giật tàu lá xuống để tiêu huỷ, đốt. Phương pháp nữa là thả ong ký sinh nhộng, ong ký sinh ấu trùng và thiên địch ăn mồi.

Tại hội thảo, có 4 báo cáo tham luận được trình bày, việc kiểm soát sâu đầu đen hại dừa nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu, đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre” do TS. Lê Khắc Hoàng - Trưởng bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh làm chủ đề tài. Đến nay, đề tài đã hoàn chỉnh các nội dung nghiên cứu về phòng trừ sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học. Hội thảo phổ biến các kết quả nghiên cứu và góp ý hoàn thiện hơn các giải pháp.

Tin, ảnh: Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN