Quân đội Ba Lan mua xe bọc thép, huấn luyện quân sự cho người dân
09/07/2024 - 08:23
Những động thái nêu trên của Ba Lan diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến giữa quốc gia láng giềng Ukraine với Liên bang Nga vẫn đang tiếp diễn còn căng thẳng cũng gia tăng tại biên giới Ba Lan - Belarus.
Binh sĩ Ba Lan trong một cuộc diễu binh ở thủ đô Vacsava. Ảnh: AFP
Ngày 8-7-2024, Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo sẽ mua 58 xe bọc thép chở quân Rosomak từ các hãng Huta Stalowa Wola, Polska Grupa Zbrojeniowa, Rosomak S.A. và WB Electronics S.A.
Lô xe bọc thép chở quân này được tích hợp hệ thống pháo điều khiển từ xa và được trang bị bệ phóng tên lửa dẫn đường chống tăng SPIKE-LR.
Quốc phòng Ba Lan cho biết: “Tổng giá trị của hợp đồng là khoảng 2,6 tỷ zloty (659,80 triệu USD) và việc giao hàng sẽ được thực hiện vào năm 2026-2027”.
Theo hãng tin Reuters, xung đột giữa quốc gia láng giềng Ukraine với Liên bang Nga đã khiến việc tăng cường lực lượng vũ trang trở thành ưu tiên hàng đầu của Ba Lan.
Trước đó vào đầu tháng 1-2024, hãng thông tấn Belga của Bỉ cho biết Ba Lan đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng chi tiêu quân sự của NATO vào năm 2023, với mức chi tiêu lên tới 3,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
Theo Belga, cho đến nay mới chỉ có 10 quốc gia thành viên NATO trong số 31 quốc gia đã đạt mức tối thiểu 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là Hy Lạp với 3% và Estonia với 2,7%. Các quốc gia còn lại gồm Phần Lan, Hungary, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Vương quốc Anh.
Trong khi đó Bỉ và Luxembourg xếp hạng thấp nhất, với chi tiêu quân sự lần lượt là 1,1% GDP và 0,7%.
Ba Lan gần đây đã đặt mua khí tài quân sự hiện đại từ Hàn Quốc, bao gồm các đơn vị pháo tên lửa Chunmoo, xe tăng K2, pháo tự hành K9 và máy bay huấn luyện chiến đấu FA-50 một phản ứng sau khi cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra.
Binh sĩ Ba Lan huấn luyện tác chiến. Ảnh: CEPA
Trong một diễn biến khác, hãng tin AFP của Pháp ngày 8-7-2024 cho biết quân đội Ba Lan đang triển khai chương trình huấn luyện miễn phí dành cho người dân quan tâm tới các kỹ năng chiến đấu như bắn súng, ném lựu đạn và chiến thuật quân sự.
Trả lời phỏng vấn AFP, một số người dân cho biết họ muốn học những điều cơ bản để sinh tồn và phải làm gì trong tình huống nguy hiểm.
Tomasz Sandkowski, một nhà đầu tư 54 tuổi từng phục vụ trong quân đội, nói: “Tôi không biết mọi thứ sẽ đi theo hướng nào, nhưng chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng”.
Hoạt động nêu trên của quân đội Ba Lan được tổ chức trong bối cảnh cuộc chiến giữa quốc gia láng giềng Ukraine và Liên bang Nga đang tiếp diễn mà chưa có hồi kết.
Bên cạnh cuộc chiến tại Ukraine, Ba Lan cũng phải đối mặt với những lo ngại về an ninh dọc biên giới phía Đông giáp với Belarus.
Vacsava cáo buộc Minsk khuyến khích người di cư vượt biên vào Liên minh châu Âu (EU) qua biên giới Ba Lan dưới hình thức "chiến tranh hỗn hợp".