Qua 4 năm “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt

04/03/2020 - 07:23

BDK - Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất, ngày 27-4-2016, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo đã có Thư ngỏ kêu gọi toàn thể đảng viên, đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân, từng nhà, từng gia đình ngay từ đầu mùa mưa năm 2016 hãy chủ động tích trữ nước mưa, nước ngọt đủ cho ăn uống, tắm giặt, cho chăn nuôi gia cầm, gia súc. Qua 4 năm thực hiện kêu gọi đó, việc trữ nước mưa, nước ngọt trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Hải quân trao nước ngọt cho người dân xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.

Nhà nhà trữ nước mưa, nước ngọt

MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tuyên truyền Thư ngỏ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo được đăng tải trên Báo Đồng Khởi chuyên trang sinh hoạt tổ nhân dân tự quản; tuyên truyền tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn về trữ nước mưa, nước ngọt, phòng chống hạn mặn, các tài liệu tuyên truyền về phòng chống hạn mặn ứng phó với biến đổi khí hậu do các ngành chức năng cung cấp… Ngoài ra, hàng năm, Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre thường xuyên tuyên truyền về phong trào trữ nước mưa, nước ngọt trong nhân dân, các mô hình mới, cách làm hay để nhân rộng.

 Các cơ quan, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có ý thức trong việc trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt; vận động người thân, gia đình trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức. Qua đó, ý thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và bà con nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Thông qua các mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi ở địa phương. Qua thực hiện phong trào, đến nay, 100% hộ dân đã có dụng cụ trữ nước. Trong đó, có 339.312 hộ tự trang bị và 27.350 hộ được hỗ trợ đủ dụng cụ trữ nước. Có 15.271 hộ nghèo, 15.215 hộ cận nghèo và 5.019 hộ chính sách khó khăn có đủ dụng cụ trữ nước phục vụ trong sinh hoạt. Tiêu biểu trong phong trào này có các huyện như: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh. Nhiều hộ nghèo không trông chờ vào nguồn vận động hỗ trợ của địa phương mà tự vay, mượn để trang bị dụng cụ trữ nước cho gia đình đúng với mục đích của đợt phát động là “Hãy tự cứu lấy mình trước khi người khác cứu”. Vận động những hộ không sử dụng hết nước chia sẻ với những hộ thiếu nước. Ngoài ra, có nhiều cơ sở thờ tự tự xây thêm hồ, ống xi-măng, khoan giếng để trữ nước mưa, nước ngọt, phòng khi có hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt thì sẵn sàng hỗ trợ.

Nhiều mô hình hiệu quả

 Sau thời gian phát động, rất nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ dụng cụ trữ nước. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận dụng cụ trữ nước, tiền mặt, trang bị cho 27.350 hộ dân với trên 28.567 dụng cụ như: bồn, thùng, can nhựa… quy ra thành tiền trên 55 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh vận động hỗ trợ trên 18 ngàn dụng cụ quy ra thành tiền là 34 tỷ đồng, phần còn lại do cấp huyện, xã vận động, tiếp nhận. Ngoài hỗ trợ dụng cụ trữ nước, nhiều tổ chức, cá nhân còn hỗ trợ bà con máy lọc nước sạch, máy lọc nước mặn, hàng ngàn mét khối nước ngọt, hàng chục ngàn bình nước uống. Từ đầu năm 2020 đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tổng số tiền 1,256 tỷ đồng để mua 1.053 bồn trữ nước, 6.100 bình nước ngọt, 2.000 bình nước lọc, 300m3 nước ngọt.

Nhiều mô hình hiệu quả như người dân sử dụng túi bioga để dưới mương, ao trong vườn để trữ nước. Xây dựng bể xi-măng trong nhà, dưới nền nhà, đổ ống hồ xi-măng, đắp đập tạm, trải bạt để trữ nước, xây dựng hệ thống cống cục bộ ngăn mặn trong mương vườn, sử dụng các chuồng trại chăn nuôi heo, các ao hồ dùng túi mủ trải để chứa nước ngọt, tận dụng các dụng cụ chứa nước hiện có tại hộ gia đình như lu, chum, vại, hồ bê-tông, bồn nhựa để trữ nước. Phủ bạt nhựa dọc các mương vườn, cải tạo, gia cố hệ thống cống đập ở ao hồ, kênh rạch để trữ nước. Ngoài ra, một số địa phương còn có mô hình đổ ống hồ trả góp, đào giếng đất. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh cho rằng, việc phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Tuy nhiên, còn một bộ phận người dân chưa trang bị thêm dụng cụ trữ nước, chưa chủ động trong trữ nước mưa, nước ngọt dẫn đến hiện tại thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất. Một số hộ còn trông chờ vào sự hỗ trợ…

Sắp tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tận dụng ao, hồ, mương vườn, đắp đê bao cục bộ, hồ xi-măng, bạt, túi nylon... để trữ nước ngọt. Đặc biệt, tổ chức phát động vận động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chia sẻ nguồn nước, chuyên chở cung cấp nước ngọt đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình trong mùa hạn mặn 2020.

“Toàn tỉnh còn 4.962 hộ thiếu dụng cụ trữ nước cần hỗ trợ. Trong đó, có 521 hộ gia đình chính sách khó khăn, 3.120 hộ nghèo và 1.321 hộ cận nghèo. Do vậy, các ngành, các cấp cần quan tâm vận động nguồn tài trợ trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ. Trước mắt, tập trung hỗ trợ dụng cụ chứa nước và nước ngọt cho những hộ thiếu nước sinh hoạt nhưng không có khả năng tự trang bị như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn”.

(Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đoàn Văn Đảnh)

   Bài, ảnh:  Hương Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN