Phục hồi sản xuất nông nghiệp sau hạn mặn

09/06/2020 - 19:50

Hiện mùa mưa năm 2020 đã chính thức bắt đầu. Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, độ mặn trên các sông chính qua địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm dần sau thời gian hơn 6 tháng kéo dài. Nước ngọt (độ mặn nhỏ hơn hoặc bằng 0,5%o) có khả năng xuất hiện trên các sông chính nhiều hơn.

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, hạn mặn kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đất trồng và gây thiệt hại trên 70% diện tích vườn cây ăn trái, nhất là các vườn trái cây đặc sản nhạy cảm với mặn là chôm chôm và sầu riêng. Hiện tại, tận dụng thời điểm độ mặn giảm và mùa mưa đã bắt đầu, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nhanh chóng tổ chức sản xuất lại để phục hồi kinh tế sau hạn mặn.

Theo ông Bùi Thanh Liêm, giải pháp phục hồi sản xuất có 3 hướng, thứ nhất là giải độc cho đất nhiễm mặn với các biện pháp kỹ thuật như xới đất cho tơi xốp, bón vôi, rửa phèn. Thứ hai, đối với các vườn cây trái không còn khả năng hồi phục sau mặn thì nhanh chóng chuyển đổi sang loại cây trồng khác, có sức chống chịu tốt hơn. Ưu tiên phát triển các loại cây ít nhạy cảm với mặn như cây bưởi, nhãn, xoài, mít... Tại vùng cây giống, hoa kiểng Chợ Lách có thể chuyển đổi sản xuất cây giống theo mùa vụ để có thêm thu nhập. Thứ ba, đối với các vườn có cây còn khả năng hồi phục trong 1 năm thì tập trung chăm sóc với các biện pháp tổng hợp, vừa giải độc mặn cho đất vừa chăm sóc phục hồi, các biện pháp kỹ thuật như bón phân, xới đất, cắt tỉa cành lá, phòng trừ sâu bệnh. Đối với các vườn này thì vừa phục hồi vừa chuẩn bị sớm các biện pháp ứng phó hạn mặn trong thời gian tới.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN