|
Mô hình nuôi heo giảm nghèo. |
Từ nhiều năm nay, nhờ hoạt động hiệu quả nên mô hình tiết kiệm tín dụng của Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Thạnh (Mỏ Cày Nam) đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho những phụ nữ nghèo ở nông thôn .
Chị Nguyễn Thanh Nga - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Thạnh cho biết: Năm 1994, mô hình Quỹ tiết kiệm tín dụng đầu tiên thử nghiệm ở ấp An Bình. Ban đầu chỉ có 44 chị em thành viên tham gia góp vốn. Mỗi chị chỉ góp từ 30 đến 40 ngàn đồng với nguồn vốn nhỏ nhoi 1,5 triệu đồng. Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, tổ tín dụng gặp không ít khó khăn, các chị em trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã phải đi từng nhà vận động chị em góp vốn, giải thích cho chị em hiểu về lợi ích của mô hình này. Do nhiều chị em còn bỡ ngỡ, chưa hiểu về hoạt động của quỹ nên công tác vận động nguồn vốn vô cùng khó khăn. Với hoạt động hỗ trợ kịp thời, nguồn vốn đã giúp chị em phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, nhiều chị em đã hưởng ứng rất tích cực. Đến nay, Quỹ tiết kiệm đã phát triển được 554 thành viên, với số vốn trên 400 triệu đồng hỗ trợ chị em nghèo chăn nuôi, buôn bán nhỏ…
Tổ hội phụ nữ được phân bố rộng khắp các ấp. Mỗi ấp có từ 3 đến 4 tổ tiết kiệm tín dụng để chị em dễ tiếp cận nguồn vốn. Ngoài nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng tiết kiệm, Hội còn tổ chức các hoạt động tham quan, học tập các mô hình làm kinh tế giỏi để giúp chị em có thêm kiến thức làm ăn, tăng thu nhập. Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Tư, ở ấp An Bình là một hộ nghèo của xã. Thông qua Quỹ tiết kiệm tín dụng của Hội Phụ nữ xã, gia đình chị Nguyễn Thị Tư vay một triệu đồng. Có vốn, chị mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi dê, gà. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn chăm lo phát triển kinh tế nên gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày một ổn định. Trong xã, còn nhiều hộ gia đình khác thoát nghèo nhờ được vay vốn từ Quỹ tiết kiệm tín dụng. Nhờ nguồn vốn này mà số hộ nghèo của xã qua từng năm giảm đáng kể. Năm 2009, số hộ nghèo của xã là 182, đến nay giảm còn 167 hộ nghèo do nữ làm chủ hộ.
Liên tục trong những năm qua, Quỹ tiết kiệm tín dụng đã trở thành điểm tựa tin cậy của nhiều hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo ở nông thôn. Từ mức tự nguyện đóng góp tiết kiệm hàng tháng là 30.000 đồng đến 40.000 đồng, đến nay có những hội viên khá giả đã đóng góp tiết kiệm được từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng. Hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, mô hình tiết kiệm tín dụng của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thạnh đã trở thành người bạn đồng hành của nhiều chị em trên con đường phát triển kinh tế gia đình.
Nói về hiệu quả của công tác tiết kiệm tín dụng trong công tác xóa đói giảm nghèo, chị Nguyễn Thanh Nga cho biết, hoạt động của tất cả các tổ tín dụng đã giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, chị em rất phấn khởi, chăm lo làm ăn, góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo của địa phương.