Phòng chống và điều trị bệnh tay chân miệng

30/07/2020 - 20:17

BDK - Bệnh tay chân miệng (TCM) hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Sau đây là các biện pháp phòng chống và nguyên tắc điều trị bệnh TCM.

Các bước phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ em.

Các biện pháp phòng chống

Tuyên truyền, giáo dục: Thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là ở nhà trẻ, mẫu giáo về tầm quan trọng của giữ gìn vệ sinh, như vệ sinh răng miệng; rửa tay trước, sau khi ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt, mỗi lần thay tã cho trẻ;  ăn chín, uống sôi.

Phòng lây lan: Trẻ mắc bệnh không đến lớp đến khi hết loét miệng và các nốt phỏng nước. Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, nổi bóng nước phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế. Hàng ngày làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như chén, đũa, muỗng, ly, tách… ngâm, tráng nước sôi trước khi sử dụng.

Tại gia đình bệnh nhân: Bệnh nhân phải được cách ly, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác. Quần áo, mùng, mền, dụng cụ của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng cách đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%. Người chăm sóc bệnh nhân: thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ. Khi trẻ còn triệu chứng bệnh TCM, không cho trẻ tham gia các hoạt động, gặp gỡ các trẻ em khác như đến lớp, đi bơi... Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để thông báo cho cơ quan y tế.

Tại các cơ sở điều trị: Áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm. Rửa tay ngay bằng dung dịch sát khuẩn khi có tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân dù mang hay không mang găng tay. Mang trang phục phòng hộ cá nhân khi làm những thủ thuật trên bệnh nhân có nguy cơ tạo giọt bắn tới niêm mạc.

Nguyên tắc điều trị 

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

Chỉ định điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Hạ sốt khi sốt cao bằng paracetamol. Dặn dò dấu hiệu nặng cần tái khám ngay: sốt cao, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, bứt rứt, co giật, hôn mê, yếu liệt chi.

 Chỉ định nhập viện khi có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, sốt cao, nôn nhiều, nhà xa.

Điểm quan trọng nhất trong việc rửa tay cho đúng cách là thời gian.  Mỗi lần rửa tay, ta cần phải rửa từ khoảng 15 - 20 giây. Nên rửa với nước ấm và xà phòng, chà hay bàn tay với nhau cho mạnh để góp phần đẩy vi trùng ra khỏi da. Nên rửa cả bàn tay và phần dưới của cánh tay. Việc bảo vệ và duy trì sức khỏe thường chỉ bắt đầu từ việc thực hiện một cách đều đặn và chính xác những việc rất đơn giản như là rửa tay. Rửa tay đúng cách phòng TCM. Đây là một trong những biện pháp đơn giản mà hữu hiệu nhất phòng chống bệnh TCM.

Trung tâm Giáo dục sức khỏe

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN