Phòng chống, thích nghi dần với hạn mặn

22/04/2020 - 07:21

Nuôi tôm biển công nghệ cao ở huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hoàng Trung

Những ngày qua, tôi và gia đình đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “ở nhà cũng góp phần phòng chống dịch Covid-19”. Đến thời điểm này, rất mừng là mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, nhưng tình hình trong cả nước nói chung, tỉnh nói riêng có những tiến triển lạc quan. Tỉnh thuộc nhóm các tỉnh nguy cơ thấp, thế là người dân an tâm để bắt tay vào các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng không quên thực thi các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Thế nhưng, nỗi lo về “khó khăn kép” vẫn còn đó, dịch bệnh có bước vãn hồi, nhưng hạn mặn vẫn còn gay gắt và hậu quả, thiệt hại tôi nghĩ sẽ là rất lớn, ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất và đời sống người dân, không chỉ trong năm 2020 mà còn nhiều năm sau nữa, vì theo dự báo, tình hình biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn; hạn mặn cho dù không khốc liệt như năm nay, nhưng sẽ xảy ra thường niên. Do vậy, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, một mặt phải chủ động, ra sức phòng chống, mặt khác phải có giải pháp thích nghi dần, “biến nguy cơ thành thời cơ”, biến cái có hại thành lợi thế.

Những ngày ở nhà, tôi đem sách báo ra đọc, nắm thông tin. Khi đọc lại quyển Đặc san “Đất và người Bến Tre hôm nay” của Báo Đồng Khởi xuất bản nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, tôi đã bắt gặp và đọc say mê bài “Phù sa mặn” của tác giả Kim Liên, tác phẩm đã đạt giải nhất Cuộc thi viết “Đất và người Bến Tre hôm nay” do Báo Đồng Khởi phát động. Tôi nghĩ, đây cũng là giải pháp để người dân thích nghi với hạn mặn.

Trong tác phẩm của mình, tác giả Kim Liên đã giới thiệu mô hình tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa, mô hình trồng lúa sạch. Từ trong khó khăn, người nông dân Thạnh Phú đã không cam chịu, mà năng động, nghĩ cách đánh thức tiềm năng từ đất, biến nước mặn thành phù sa, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích... “Về Thạnh Phú trong thời gian gần đây, ai cũng phải ngạc nhiên vì sự thay da đổi thịt trên vùng đất mặn này. Đất hóa lành chính là nhờ những con người chí cốt với đất. Họ đã hiểu nết đất, tập tính sinh học của con tôm, cây lúa rồi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Như vậy là huyện Thạnh Phú đã giải mã được bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Và đến đây, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định rằng: trầm tích biển là tài nguyên, phù sa mặn là tài nguyên bản địa. Vấn đề là con người Thạnh Phú đứng chân trên mảnh đất ấy phải biết khơi nguồn lợi của đất đai bằng chính tư duy đổi mới, sáng tạo và khoa học để biến cái chưa thể thành có thể như thành quả mà mô hình tôm - lúa đã đem lại trên đồng ruộng Thạnh Phú hôm nay” - tác giả Kim Liên khẳng định ở cuối tác phẩm. Tôi vô cùng tâm đắc với nhận định, đánh giá này.

Từ mô hình, cách làm của nông dân Thạnh Phú, tôi chợt nghĩ, nông dân ở Bình Đại, Ba Tri sẽ tìm hướng đi nào cho sản xuất trong cùng điều kiện, làm sao để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ biển, để góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hay đối với các huyện khác, giải pháp nào cho việc giữ, giảm thiểu thiệt hại để phát triển diện tích cây ăn trái, đặc biệt là cây dừa và vật nuôi, bên cạnh sự chủ động, sáng tạo vượt khó của người nông dân, rất cần sự định hướng, giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và nhất là sự đồng hành của các doanh nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp.

Tư duy từng bước thích nghi với hạn hán, mặn xâm nhập đã được thể hiện trong Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu là để “thoát lũ”, nên chuyển sang “trữ ngọt” và dùng nước tiết kiệm. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn. Kèm theo đó là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.

Cùng với việc từng bước chuyển đổi từ tư duy, nhận thức sang hành động cụ thể để từng bước thích ứng với hạn, mặn, tôi vẫn canh cánh nỗi lo về nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Những ngày qua, các cấp chính quyền, các ngành chức năng và người dân trong tỉnh đã tận tâm, tận lực chống chọi với hạn mặn; chúng ta vô cùng trân quý những tình cảm, tấm lòng của các đơn vị, cá nhân đã đến giúp đỡ Bến Tre trong thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, cùng với những giải pháp công trình, cần có sự đầu tư của Nhà nước, thì mỗi người dân phải chủ động trong việc tích trữ, có ý thức tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, nước mưa, với tinh thần phải “tự cứu mình trước”, không nên chỉ trông chờ “người khác cứu”.

 Đến đây tôi nghĩ: Rồi đây chúng ta sẽ thích nghi với hạn mặn thôi, càng khó khăn thì càng có dịp khẳng định tinh thần, trí tuệ của người dân Bến Tre. Lúc đầu sẽ còn khó, nhưng dần sẽ quen, sản vật từ lợ, mặn nhất định sẽ cho quả ngọt.

Nguyễn Văn Thâu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN