Phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022

01/11/2021 - 06:01

Khảo sát mô hình sản xuất lúa năng suất cao. Ảnh: Thu Huyền

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô 2021-2022 từ thượng nguồn sông Mekong về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt từ 15 - 25% so với trung bình nhiều năm. Dự báo mùa khô năm 2021-2022, mặn bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính trong tỉnh từ nửa cuối tháng 12-2021; đến giữa tháng 2-2022, mặn có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 50km, độ mặn cao nhất tại các trạm có thể xuất hiện trong tháng 3 đến nửa đầu tháng 4-2022. Độ mặn 4%o trên các sông chính xâm nhập ít sâu hơn so với mùa khô năm 2015-2016: sông Cổ Chiên giảm 5km, sông Hàm Luông giảm 16km, sông Cửa Đại giảm 2km.

Theo kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 của UBND tỉnh về thủy lợi và xây dựng cơ bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố tiến hành khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 25 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2021-2022.

Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương để thống nhất phương án vận hành các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô, bao gồm các công trình đập tạm ngăn mặn, các thuyền bơm đã được đầu tư mùa khô 2019-2020. Đối với các hệ thống công trình đã được đầu tư khép kín cần chú trọng việc vận hành các cửa cống theo hướng tăng cường trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với các hệ thống công trình chưa được đầu tư khép kín, tổ chức vận động người dân đắp kín bờ bao từng tiểu vùng, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt. Đối với công trình hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri, thực hiện tốt công tác vận hành, trữ nước ngay trong mùa mưa năm 2021, đảm bảo tích trữ nguồn nước theo thiết kế và chất lượng nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong mùa hạn mặn 2021-2022. Theo dõi chặt chẽ độ mặn tại Trạm Giao Hòa để vận hành cống Ba Lai phù hợp với diễn biến xâm nhập mặn. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thi công 11 công trình cống thuộc 2 huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú và nhiều công trình khác.

Về sản xuất nông nghiệp, đối với lĩnh vực trồng trọt, khuyến cáo người dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng. Sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, hướng dẫn người dân dự trữ nước uống cho đàn vật nuôi. Các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô. Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre rà soát, sẵn sàng phương án vận hành Trạm bơm Cái Cỏ, các cống, đập tạm ngăn mặn đã đầu tư trong mùa khô năm 2020-2021. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cần đẩy nhanh tiến độ thi công kết nối mạng lưới cấp nước các nhà máy ứng phó hạn mặn với chiều dài 30,6km; nâng công suất Nhà máy nước Thạnh Phú lên 200m3/h. Đồng thời, rà soát các khu vực, nhà máy cấp nước có nguy cơ bị nhiễm mặn để kịp thời có phương án đấu nối, hòa mạng với các nhà máy có nguồn nước ngọt, nhất là các nhà máy nước khu vực huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam.

Minh Trần

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN