Phòng, chống bệnh dại trên người, giai đoạn 2022 - 2030

29/03/2022 - 09:11

BDK.VN - Trong năm 2021, khu vực phía Nam ghi nhận 24 ca tử vong do bệnh dại, tăng 3 ca so với 2020 (22 ca). Số ca tử vong ghi nhận tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó Bến Tre là địa phương có số tử vong cao nhất (9 ca), chiếm 37,5% ca của Khu vực phía Nam. Kế đến là tỉnh Bình Phước (3 ca), An Giang, Bạc Liêu, Long An, TP. Hồ Chí Minh có 2 ca/tỉnh, Bình Dương, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng có 1 ca/tỉnh.

Số ca có lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm là 13 ca (54%) trong đó có 8 trường hợp (61%) dương tính với vi rút dại (PCR). Ca tử vong 100% đều không điều trị dự phòng sau phơi nhiễm 95% ca bệnh dại do chó, 5% ca do mèo.

Tại Bến Tre, trong năm 2021 toàn tỉnh ghi nhận 9 trường hợp bệnh dại ở người; 2 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận có 5 trường hợp bệnh dại ở người. Theo đánh giá của Sở Y tế, nguy cơ trong thời gian tới bệnh số trường hợp mắc bệnh dại có thể tiếp tục tăng.

Trước tình hình đó, Sở Y tế tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên người tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2022 - 2030 nhằm mục tiêu phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng. Theo đó, mục tiêu cụ thể là 100% các huyện, thành phố có điểm tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại cho người. Mỗi năm đều có thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng, trường học.

100% số người tiêm vắc-xin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia. 90% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm. Đến năm 2025, không có huyện, thành phố có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; đến 2027 không có huyện, thành phố có nguy cơ trung bình về bệnh dại trên người. Đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Các nhiệm vụ và giải pháp chuyên môn bao gồm: Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người như kiện toàn, mở rộng số lượng các điểm tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại để phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo khả năng dễ tiếp cận, giá thành thấp, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư và nguồn nhân lực cho điều trị dự phòng; đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc-xin và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng. Rà soát, hoàn thiện chính sách về phòng, chống bệnh dại.

Thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh dại như đặc điểm và tính chất nguy hiểm của bệnh dại, cách nhận biết người và động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại và biện pháp xử lý, phòng, chống bệnh dại ở người và động vật; chủ trương, chính sách và quy định về quản lý nuôi chó, mèo và tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo; các biện pháp phòng, chống bệnh dại; xử lý vi phạm các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các quy định về quản lý chó, mèo nuôi, tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo, không tuân thủ các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

Điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch dại như: thành lập tổ giám sát, bắt và xử lý chó, mèo thả rông, chó, mèo chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trong vùng đang có ổ dịch dại; đặt biển báo khu vực có dịch, hướng dẫn người, phương tiện tránh đi qua vùng dịch; phun khử trùng  các phương tiện vận chuyển từ vùng dịch đi ra ngoài; xử lý động vật mắc bệnh trong vùng dịch theo quy định; xử lý các trường hợp vi phạm hành chính theo quy định.

Giám sát bệnh dại trên người, người bị chó, mèo cắn phải rửa ngay vết thương và đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin phòng dại. Các điểm tiêm đảm bảo đủ vắc-xin để người dân có thể tiếp cận với việc điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm; trường hợp nhiều người bị chó, mèo cắn và có biểu hiện nghi mắc bệnh dại phải báo ngay cho cơ quan thú y địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch dại.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN