Bài 1: Phố chợ có cả nét văn hóa của phố và văn minh của chợ
Gọi là phố chợ vì nơi đây là khu vực kinh doanh được hình thành từ rất lâu đời dọc trên các con đường mà nay gọi là phố hay dãy phố, thuộc phường 2, TP. Bến Tre. Không biết chợ này xuất hiện tự bao giờ nhưng theo lời kể của ông Bảy Sơn, từ hồi ông còn nhỏ đã biết phụ mẹ buôn bán tại chợ này. Vì thế, với ông và nhiều người sống lâu đời nhờ vào nghề buôn bán tại đây, phố chợ được ví như dòng sông quê hương đã gắn bó và chở che họ từ thuở nhỏ.
Mỗi con đường nổi tiếng với từng mặt hàng riêng
Dù ở phạm vi TP. Bến Tre hay ở chợ huyện lên, nhưng hễ nói đến mặt hàng đường như đường cát, đường thùng, đường phèn thì hầu hết người mua đều biết ngay đến đường Lê Lợi. Các mặt hàng được làm bằng sắt thì nổi tiếng trên đường Lý Thường Kiệt. Nhắc đến đường Phan Ngọc Tòng, người ta lại biết con đường này vốn nổi tiếng với nhóm hàng lưới, bạt, mủ, thiếc. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm xưa kia cũng nổi tiếng chuyên về mặt hàng thuốc lá (loại thuốc vấn) và chuối. Còn một mặt hàng nổi tiếng nữa là các loại hạt giống thì nằm ở cuối đường Phan Ngọc Tòng giao với đường Hùng Vương…
Vợ chồng chị Trần Thị Huỳnh, sau ngày cưới nhau và ra riêng, cũng đã tiếp nối công việc buôn bán mặt hàng đường của cha mẹ trên con đường ấy, tại điểm bán ấy cho đến nay. Phố chợ này từ lâu đã là nơi sinh kế của rất nhiều gia đình như gia đình chị Huỳnh. Một cửa tiệm nhỏ nhắn chưa đầy 15m2 cũng đã có thể giúp gia đình chị nuôi sống nhau, tiện tặn nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn và có thể mua nhà cửa khang trang.
Nhắc đến mặt hàng mủ, nhựa, ai ở đây cũng từng biết đến hai hoàn cảnh đối lập. Một hộ vì thua lỗ, dẫn đến phá sản phải cho thuê cả mặt bằng. Cũng bắt đầu từ lúc ấy, nơi đây có một hộ bỗng phất giàu lên nhờ vào “thiên thời địa lợi”. Hộ này cho đến bây giờ là một trong những tiểu thương hàng mủ nổi tiếng có cơ may trong kinh doanh tại phố chợ, với nhà cao tầng, mặt tiền. “Yêu và thủy chung với nghề cũng chưa chắc sẽ tồn tại được mà còn nhiều yêu cầu quan trọng hơn đó là cái nhân, cái đức, cái uy tín trong kinh doanh…” - Nhiều tiểu thương ở phố chợ nhắc nhau như thế. Họ lấy đó để làm kim chỉ nam cho chính mình trong hoạt động kinh doanh mua bán.
Chợ vừa là… phố, là… nhà
Nơi đây không chỉ để trao đổi, mua bán mà còn là nơi ăn, chốn nghỉ hay còn gọi là nhà của bao nhiêu gia đình tiểu thương.
Tổ trưởng tổ 9 của phố chợ cho biết, chỉ riêng tổ 9 đã có 15/25 nhà có tiểu thương đăng ký hộ khẩu thường trú. Những người có gốc ở đây cũng có, đến từ các phường lân cận hay các huyện khác trong tỉnh cũng có, hoặc từ TP. Hồ Chí Minh về đây lập nghiệp cũng không phải là ít. Khi về đây, mọi người dần hòa nhập với môi trường, với những phẩm chất: chân tình, cởi mở, hòa đồng và có nhiều thiện cảm. Tình làng nghĩa xóm đậm đà. Con người luôn biết tương trợ, chia sẻ lẫn nhau lúc khó khăn, vui buồn. Ông Bảy Sơn khẳng khái: Điều này cũng dĩ nhiên thôi. Vì chợ cũng là nhà. Tiểu thương đã sống và gắn bó với nơi ở cũng như với nghề. Với khách hàng cũng vậy, các mối quan hệ đã được hàn gắn từ rất lâu. Giờ đây, hoạt động mua bán hầu hết dựa trên mối quan hệ quen biết, thân thiết.
Cùng với ông Bảy Sơn, các tiểu thương ở những dãy phố chợ kể: Trước kia, nơi đây có rất nhiều người từ trong quê mang xề hàng ra ngồi bán ven đường. Đặc biệt là khu bán các loại trái cây (xoài, ổi, mít, dưa, dừa, bưởi, cóc)... Người mang xề ra bán ngồi rất đông. Chợ cứ thế tự nhiên phát triển để đáp ứng nhu cầu mua bán, đặc biệt là để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Khi chợ tự phát được dọn vào khu mua sắm mới khang trang hơn là Trung tâm Thương mại bây giờ, phố chợ được trả lại với dáng vẻ thông thoáng, ngăn nắp và ôn hòa. Từ thời điểm này, phố chợ cũng đã phát triển rõ rệt song song với việc đưa phố chợ vào khuôn khổ của phố đạt tiêu chuẩn văn hóa và chợ đạt tiêu chí văn minh.
(Còn tiếp)