Phát triển nông nghiệp “sạch, an toàn, hiệu quả”

25/11/2020 - 07:17

BDK - Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án an ninh lương thực Quốc gia đến năm 2020, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong ngành nông nghiệp tỉnh chuyển đổi theo hướng giảm dần đất lúa, tăng đất trồng cây ăn trái, trồng dừa và nuôi trồng thủy sản để đảm bảo vừa cung cấp đủ lương thực cho người dân vừa thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Gánh lúa về nhà sau mùa thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Dừa

Nhiều mô hình hiệu quả

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh cho biết: Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả được triển khai thực hiện và nhân rộng. Toàn tỉnh đã chuyển 6.838ha diện tích đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái, dừa, cỏ nuôi bò và phát triển diện tích nuôi thủy sản. Hiện tỉnh có 47.864ha cây lương thực có hạt, sản lượng đạt 215.288 tấn. Trong đó chủ yếu là lúa và bắp, tập trung tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm. Diện tích rau đậu khoảng 5.000ha, sản lượng đạt 107 ngàn tấn. Diện tích canh tác cây trồng có giá trị kinh tế cao tăng khá nhanh như chôm chôm 4.951ha, sầu riêng 2.494ha, bưởi da xanh 9.100ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản 46 ngàn héc-ta, cho sản lượng tăng từ 246 ngàn tấn (năm 2009) lên 500 ngàn tấn (năm 2020).

Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá ổn định. Đàn bò tiếp tục tăng trên 220 ngàn con, đàn heo duy trì trung bình mức 600 ngàn con, gia cầm 8 triệu con.

Cơ sở hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư phục vụ sản xuất. Toàn tỉnh có khoảng 68 kênh trục với tổng chiều dài 363km; công trình cống đập Ba Lai và các cống nội đồng phát huy tác dụng. Các công trình ngăn mặn, trữ ngọt từng bước được khép kín, đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Giao thông nông thôn được kết nối đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm. Đã nhựa hóa và bê-tông hóa 4.370km, trong đó có 1.011km đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới, 8.551m cầu.

Nhiều cơ sở hạ tầng khác như điện, nước sạch, bưu chính viễn thông ở nông thôn không ngừng được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cao chất lượng phục vụ. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện từ 93,07% năm 2008 tăng lên 100% năm 2019. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,2%; trong đó, sử dụng nước sạch đạt 58,7%. Mạng viễn thông di động phủ sóng khắp toàn tỉnh, mật độ sử dụng điện thoại đạt 114,91 thuê bao/100 dân.

Bên cạnh kết quả vẫn còn hạn chế nhất định: Diện tích sản xuất lúa các địa phương còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu tập trung; nông hộ thiếu liên kết, sản xuất theo tập quán, kinh nghiệm tích lũy nên khó áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và tăng giá trị sản phẩm. Việc liên kết sản xuất - tiêu thụ hình thành chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, doanh nghiệp và nông dân chưa tạo được niềm tin lẫn nhau. Lợi ích mang lại từ mô hình liên kết chưa thu hút được nông dân và doanh nghiệp tham gia lâu dài…

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp

Mục tiêu tổng quát là nâng cao hiệu quả sử dụng và quy hoạch nông nghiệp, nhất là sử dụng quỹ đất lúa. Chuyển đổi mạnh mẽ diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đất vườn tạp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo nâng cao đời sống người dân. Phấn đấu tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp 2 lần so với năm 2020.

Trong đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị ngành hàng. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành các vùng nguyên liệu lớn hướng đến hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Rà soát, bổ sung kịp thời các quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu. Có cơ chế linh hoạt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đúng quy định.

 Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là hệ thống kho dự trữ, bảo quản, lưu thông để nâng cao giá trị, đa dạng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vừa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận lương thực, phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Đổi mới phương thức, công nghệ sản xuất, đẩy mạnh tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nông sản chất lượng cao, gia tăng giá trị. Tập trung thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, hộ gia đình với các sàn thương mại điện tử.

Đẩy mạnh nghiên cứu cải tạo và phát triển mới các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đáp ứng nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo từng vùng sinh thái. Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện, xã. Tổ chức đưa nông dân đi nước ngoài học tập, nghiên cứu tiếp cận và ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến của các nước.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận và thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ và mời gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

Tại hội nghị tổng kết Kết luận số 81-KL/TW về an ninh lương thực, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Triển khai thực hiện Kết luận số 81, tỉnh đã có chương trình hành động. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ có kế hoạch triển khai thực hiện; làm sao phát triển sản xuất nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực một cách hiệu quả nhất. Tức sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, để đảm bảo được mục tiêu an ninh lương thực, nhưng cũng phải hướng đến mục tiêu kinh tế. Xuất khẩu nông sản năm 2019 cả nước là trên 43 tỷ USD, hướng tới đạt mức 50 tỷ USD.

Thành tựu rất lớn nhưng nhìn vào việc sử dụng hiệu quả nguồn lực như đất đai, con người, phương thức sản xuất thì chưa đạt, tức chạy theo sản lượng, chỉ sản xuất nông nghiệp là chính nhưng chưa chú ý đến giá cả, hiệu quả. Nông nghiệp tỉnh phải đi theo hướng sạch, an toàn, hiệu quả. Mục tiêu của Kết luận số 81 là sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, chất lượng dinh dưỡng.

 Hoàng Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN