Nông dân huyện Chợ Lách sử dụng mạng xã hội để quảng bá, kinh doanh cây cảnh.
Người nông dân quan tâm chuyển đổi số
Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự năng động vào cuộc của những “nông dân số”, việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Một số kết quả đạt được từ việc CĐS mang lại cho từng lĩnh vực cụ thể của ngành nông nghiệp có thể thấy rõ như: lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã xây dựng, đưa vào sử dụng ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh, hỗ trợ nông dân trong việc tìm thông tin về thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng trừ cần thiết, ứng dụng nhận diện sinh vật gây hại cây trồng đang được triển khai thí điểm tại An Giang. Ứng dụng Mạng nhà nông cũng được triển khai tại một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài chính, theo dõi thị trường, diễn biến thiên tai, sâu bệnh và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể tại tỉnh, rất nhiều nhà nông ở Chợ Lách đã và đang sử dụng ứng dụng Mạng nhà nông để cập nhật thông tin, kỹ thuật sản xuất cũng như theo dõi thị trường. Nhà vườn Chợ Lách đã đẩy mạnh kinh doanh cây giống, cây cảnh trên các kênh thương mại điện tử, tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, bước đầu phát triển một thị trường cây giống, cây cảnh trực tuyến đầy sôi động.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 12-2023, cả nước đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50 ngàn sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng ngàn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc CĐS nông nghiệp.
Khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhưng việc xây dựng nông thôn số, nông dân số ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu.
Tập trung số hóa dữ liệu ngành nông nghiệp
CĐS ngành nông nghiệp được xác định là một nhiệm vụ quan trọng và phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp cần thực hiện số hóa dữ liệu ngành bằng cách đẩy mạnh phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường… kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia một cách thống nhất, đồng bộ.
Dữ liệu số ngành nông nghiệp cũng sẽ là cơ sở để phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch của ngành, phục vụ chỉ đạo điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Cũng như thúc đẩy cung cấp thông tin để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã bắt nhịp và đẩy mạnh CĐS trong nông nghiệp thông qua việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh như: Hệ thống giám sát và theo dõi sâu bệnh hại thông minh trên cây ăn trái tích hợp camera điện toán biên, hệ thống quan trắc chất lượng nước thông minh; lắp đặt 14 trạm quan trắc tự động thông minh đo từ 9 - 14 thông số môi trường nước phục vụ cho nuôi trông thủy sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang khai thác và sử dụng 23 phần mềm/cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, hoàn thiện và đưa vào vận hành phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện kế hoạch thuê phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y; phối hợp triển khai thử nghiệm các phân hệ phần mềm quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu, bản đồ chuyên ngành nông nghiệp, bản đồ thổ nhưỡng, quản lý vùng canh tác… Từ đó, tạo sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ những thành tựu CĐS của ngành nông nghiệp trong toàn hệ thống và nhân dân.
Tuy nhiên, vấn đề số hóa dữ liệu ngành nông nghiệp cũng còn nhiều hạn chế. Phát biểu tại hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận xét: Ngành nông nghiệp là ngành nhiều dữ liệu nhất nhưng lại là ngành thu thập được ít dữ liệu nhất và vì vậy cũng khó quản lý nhất. Không có dữ liệu thì không có CĐS. Không có dữ liệu thì cũng không có quản lý. Có dữ liệu thì CĐS lại thành việc dễ. Cho nên, việc đầu tiên cần làm để CĐS ngành nông nghiệp là xây dựng các cơ sở dữ liệu.
Cũng tại hội nghị chuyên đề này đã chỉ ra các vấn đề còn hạn chế trong CĐS ngành nông nghiệp. Đó là hệ thống thể chế cho CĐS nông nghiệp chưa được đầy đủ, hạ tầng số trong nông nghiệp còn rất yếu, cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp cũng còn rất hạn chế, tỷ lệ dịch vụ công toàn trình của ngành đến nay chỉ được 16% trong khi theo kế hoạch cuối năm 2024 ngành phải đạt 80% tỷ lệ dịch vụ công toàn trình, dữ liệu số ngành nông nghiệp vô cùng rộng nhưng hiện việc thống kê, đồng bộ còn chưa cao. Ngoài ra, nhân lực cho lĩnh vực CĐS nông nghiệp, hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân tham gia vào CĐS còn hạn chế.
Chỉ đạo thực hiện vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung cải cách thủ tục hành chính để tạo sự thuận lợi cho người nông dân và doanh nghiệp, cần hợp nhất cổng dịch vụ công và cơ sở dữ liệu điện tử của ngành nông nghiệp để có hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ trong thủ tục hành chính, khai thác tốt dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở đảm bảo an toàn thông tin.
“Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành đầy đủ và kết nối tốt, xây dựng hạ tầng số để cơ sở dữ liệu có thể kết nối với nhau, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Dữ liệu thông tin phải đầy đủ và cập nhật kịp thời, đặc biệt là phải dễ hiểu, dễ sử dụng và có phần hấp dẫn, thân thiện, miễn phí cho người sử dụng. Các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin phát huy vai trò đầu mối, kết nối, cung cấp công nghệ”.
(Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang)
|
Bài, ảnh: Thanh Đồng