Hiện nay, vấn đề phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn, thậm chí quyết định sự thành bại của nền kinh tế trong cơ chế thị trường và hội nhập sâu vào nền kinh tế quốc tế. Chính phủ, từng địa phương và mỗi cơ quan, doanh nghiệp đã và đang quan tâm toàn diện đến khía cạnh chất lượng nguồn nhân lực trong xu thế tái cơ cấu nền kinh tế của cả xã hội.
Lần đầu tiên sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đúc kết nhiều bài học kinh nghiệp, nước ta đã có Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 4-2011 vừa qua. Tinh thần và nội dung Chiến lược quan trọng này đã được các tỉnh, thành quán triệt, cụ thể hóa. Qui hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020 cũng vừa được UBND tỉnh phê duyệt và công bố. Sẽ là chậm chân nếu các ngành, cơ quan, doanh nghiệp không nhanh nhạy nắm bắt hết những nội dung mang tính ý chí và quyết tâm cao độ của đất nước và địa phương trong Chiến lược và Qui hoạch trên. Nói một cách hình tượng, Qui hoạch phát triển nhân lực của tỉnh rất nên là “sách gối đầu giường” của mọi người mà trước hết là của các vị giữ cương vị lãnh đạo, giám đốc doanh nghiệp. Vì sao cần như thế và phải như thế?
Gần đây, có những hiện tượng và thông tin liên quan đến diện mạo kinh tế Bến Tre làm chúng ta phải giật mình! Là xứ Dừa và có diện tích, sản lượng dừa lớn nhất nhì nước, song mấy tháng qua, một số doanh nghiệp kinh doanh ngành dừa tại địa phương không đủ “lực” để thu mua dừa nguyên liệu “trên sân nhà” khi thương lái nước ngoài thâm nhập sâu vào các vùng trồng dừa, nâng giá thu mua dừa khô. Để tồn tại, các doanh nghiệp chế biến dừa đã phải “cắn răng” nhập khẩu dừa trái của nước láng giềng phục vụ dây chuyền sản xuất vốn đã có những lúc phải hoạt động cầm chừng. Vừa mới đây lại có chuyện, nhiều hộ nông dân tại Chợ Lách chưa kịp hết mừng vì sản phẩm chôm chôm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có khả năng vào thị trường Mỹ và các nước Đông Âu thì phải chịu cảnh trái chín rục trên cây mà đầu ra lại không “chạy” do đối tác làm khó. Người nông dân nhìn vườn cây chín đỏ, đẹp là thế, ngon lành như thế mà rơi nước mắt! Những việc mắt thấy, tai nghe ở xứ ta ấy có nguyên nhân trực tiếp từ cuộc cọ xát thương trường đôi khi rất nghiệt ngã. Sự vận hành của cơ cấu kinh tế chạy theo số lượng và làm ăn đơn lẻ và cả sự cạnh tranh không lành mạnh, năng lực quản lý yếu đều là những yếu tố lạc hậu cần một sự đổi thay căn bản. Tái cấu trúc nến kinh tế là yêu cầu tất yếu mang tính nội tại, trong đó cả quan hệ sản xuất và lực lượng lao động đều cần có sự đổi thay. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định nhiệm vụ “Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy cơ cấu lại và điều chỉnh chiến lược phát triển doanh nghiệp; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế”.
Cơ cấu lại nền kinh tế là sự thay đổi lớn, trong đó quan trọng nhất là sự thay đổi mô hình tăng trưởng mới tương xứng với một phương thức tăng trưởng kinh tế mới. Đây là cơ sở tạo ra động lực có tính bước ngoặt để đất nước và từng địa phương phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình chuyển từ mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu; từ sự tăng trưởng kinh tế bằng các biện pháp tăng vốn đầu tư, sử dụng lực lượng dồi dào và nguồn tài nguyên sẵn có, chuyển sang một sự tăng trưởng mới dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, lực lượng lao động chuyên môn sâu, tay nghề cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế.
Vậy, lực lượng lao động Bến Tre cần có bước chuyển như thế nào trong quá trình này? Tính đến cuối năm 2010, tỉnh có trên 740.000 người tham gia vào các hoạt động kinh tế của tỉnh. Nếu tính số người lao động tại địa phương trên tổng số dân hơn 1,2 triệu người, thì lực lượng lao động khá dồi dào. Tuy nhiên, nếu đánh giá chất lượng nhân lực trong xu thế tiếp cận quá trình tái cơ cấu kinh tế thì lao động tại tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập. Mới chỉ có 40% lao động qua đào tạo, số còn lại là lao động phổ thông và biết nghề qua phương thức truyền thống “nghề truyền nghề”. Nhân lực có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tay nghề cao tập trung trong các ngành giáo dục, y tế song chưa phát huy hết tiềm năng do những nguyên nhân về cơ chế. Chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng và môi trường làm việc còn bất cập, chưa tạo điều kiện để người có trình độ cao làm việc và cống hiến. Việc mời gọi các chuyên gia giỏi về tỉnh công tác chưa có sức thuyết phục.
Cần làm gì để chuyển đổi nhanh việc nâng chất nguồn lực lao động địa phương trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế? Thông tin mới nhất mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức quan tâm là tỉnh đang nghiên cứu đề xuất của các sở, ngành về chế độ đãi ngộ và thu hút người tài, trong đó qui định tiền thưởng mức 70 triệu đồng sau khi cán bộ đi học có bằng Thạc sĩ, 100 triệu đồng khi có bằng Tiến sĩ. Việc học ở trong nước hay nước ngoài của cán bộ cũng được cân nhắc trên cơ sở nguồn kinh phí dành cho sự nghiệp phát triển nhân lực, khoa học, công nghệ. Một khó khăn đang đặt ra cho các nhà quản lý là việc cần thiết phải đưa đi đào tạo và đào tạo lại một bộ phận cán bộ, công chức về kiến thức chuyên môn, năng lực công tác còn hụt hẫng so với yêu cầu nhiệm vụ. Các doanh nghiệp tư nhân cũng không mặn mà trong việc bỏ tiền đưa nhân viên đi đào tạo trình độ cao. Ngoài ra, nhóm lao động xã hội mới là sinh viên được đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tại địa phương sẽ có sự “di động” về địa bàn, nghề nghiệp khi bước vào thị trường lao động chịu sự chi phối của các yếu tố như vị trí công tác, mức thu nhập. Vấn đề tập quán và quan điểm gia đình, bạn bè chi phối quyết định con đường vào đời của lực lượng lao động mới. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỉnh có 50% nguồn nhân lực qua đào tạo và đạt 60% đến năm 2020. Các ngành, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cần bắt tay ngay vào việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên trình độ cao và chuyên sâu phù hợp với những tiêu chuẩn mới trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế.