Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
29/11/2024 - 05:16
BDK - Qua 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 3409/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (NLĐ) được nâng lên; việc tham gia nghiên cứu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu công việc, theo vị trí việc làm. Thông qua việc hỗ trợ và tổ chức đào tạo, tập huấn đã giúp cho doanh nghiệp (DN) và NLĐ nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong điều kiện hội nhập quốc tế, tăng hiệu quả kinh doanh.
Đào tạo lao động lành nghề phục vụ cho các khu công nghiệp.
Kết quả nổi bật
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3409/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã triển khai thực hiện tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao nhận thức, đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá, đào tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công. Phát triển nguồn nhân lực sự nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực trong xã hội…
Qua 3 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 3409/KH-UBND, có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học 100%; THCS 99,88%, đạt chỉ tiêu sớm hơn quy định. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,55%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 36,90%. Mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 20 ngàn lao động (từ năm 2021 - 2023 giải quyết việc làm cho 62.601 lao động), đạt chỉ tiêu đề ra. Đội ngũ đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý đáp ứng đầy đủ 100% tiêu chuẩn theo quy định trước khi bổ nhiệm. Cán bộ, công chức, viên chức được bố trí 100% theo đúng vị trí việc làm, năng lực, sở trường đạt chỉ tiêu đề ra.
Liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, nhằm đào tạo lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cho các ngành thế mạnh và tiềm năng của tỉnh, gồm: công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến thủy sản; điện công nghiệp... Trước mắt, tỉnh cung ứng lao động cho các DN trong các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu trên địa bàn tỉnh và KCN Phú Thuận trong thời gian tới, đã thực hiện theo đúng lộ trình.
Các giải pháp thời gian tới
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, trong thời gian tới, tỉnh quan tâm phát triển nguồn nhân lực có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập; tạo ra lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo cho các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh và các DN trên địa bàn. Đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực tốt, phong cách làm việc hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, có tư duy đổi mới sáng tạo. Đây là nhân tố đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, đáp ứng ngày càng cao của thời đại cách mạng công nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 3409/KH-UBND, tỉnh chỉ đạo rà soát nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác liên kết đào tạo các lớp trung cấp tại các huyện. Cụ thể, huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, tổ chức đào tạo các ngành thế mạnh và tiềm năng về biển như: điện công nghiệp, cơ khí, công nghệ ô tô, du lịch... để cung ứng cho KCN Phú Thuận và các cụm công nghiệp vùng biển.
Thực hiện chính sách đào tạo thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế, nhất là đội ngũ y, bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở. Tiếp tục phối hợp với các trường đại học đào tạo đặt hàng theo nhu cầu xã hội và đại trà. Chú trọng phát triển nhân lực ngành y tế bằng nhiều nguồn như: từ học sinh đào tạo theo đặt hàng và đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn từ công chức, viên chức và NLĐ tại các đơn vị trong ngành.
Khảo sát để nắm nhu cầu tuyển dụng của các DN để hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ tại các DN. Khuyến khích DN đào tạo, thu hút chuyên gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ làm việc tại các DN. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với các chuỗi giá trị về nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Bình quân mỗi năm, tỉnh có hơn 18 ngàn người vào độ tuổi lao động. Do đó, tỉnh cần phát huy chất lượng nguồn nhân lực để cung ứng cho thị trường lao động trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, có đạo đức, sức khỏe, có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm và tiếp cận với sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo hướng linh hoạt, hiệu quả.