Xây dựng kế hoạch tổ chức từ 30-40 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Hợp tác liên kết với các trường đại học, cao đẳng chất lượng trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho khoảng 400 người.
Xây dựng chương trình đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao. Đồng thời, tạo điều kiện cho lao động nước ngoài có trình độ khoa học kỹ thuật cao đến đến làm việc, nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho khoảng 80 người. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho khoảng 150 người.
Tổ chức các lớp đào tạo trình độ chuẩn cho giáo viên khoảng 195 người. Phát triển Trường Cao đẳng Bến Tre thành 1 trường cao đẳng đa ngành, đa cấp, với quy mô đào tạo nghề tiếp cận ASEAN để đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng cho nguồn nhân lực của tỉnh khoảng 1.280 người. Xây dựng kế hoạch đào tạo để nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sĩ về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để đạt 10,48 bác sĩ/vạn dân; bác sĩ cơ hữu/100% trạm y tế cấp xã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong Nhân dân, dự kiến đào tạo khoảng 55 người.
Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trên địa bàn tỉnh cho khoảng 550 người. Đào tạo nguồn nhân lực để triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh cho 1.700 người.
Đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi nghề nghiệp phục vụ cho việc phát triển kinh tế biển, theo định hướng của tỉnh phát triển về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 cho 190 người. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghiệp để triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 cho 10 ngàn người. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân lực làm ngành xây dựng và công nhân xây dựng trên địa bàn tỉnh cho khoảng 100 người.
Tổ chức đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực của ngành giao thông vận tải về chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ chuyển đổi số. Kết nối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp để đào tạo cho khoảng 250 lao động tham gia chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kết nối kỹ thuật, thương mại, đầu tư với phía đối tác Nhật Bản thông qua chương trình phái cử người lao động của tỉnh sang Nhật Bản để trải nghiệm, học tập, làm việc và trở về phát triển quê hương.
Ngoài ra, để bồi dưỡng, cập nhật kịp thời các kiến thức, kỹ năng trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, các sở, ngành, các địa phương tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với từng lĩnh vực ngành phụ trách.
UBND tỉnh đặt ra yêu cầu: Phát triển nguồn nhân lực cần chú trọng về chất lượng, đảm bảo đủ về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng trên cả 3 yếu tố cơ bản về thể lực, trí lực, kỹ năng hành vi và ý thức xã hội gắn với nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực. Đồng thời, gắn kết với nhu cầu vị trí việc làm, nhu cầu xã hội là nhân tố đột phá trong chiến lược phát triển.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải cân đối, hài hoà về cơ cấu giữa các ngành nghề, các lĩnh vực, các địa phương, đáp ứng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, bắt kịp và áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.
Gắn kết hiệu quả giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, tập trung đào tạo, phát triển nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức hành chính nhà nước, chú trọng nhân lực khoa học công nghệ cao, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp để tránh tình trạng đào tạo lại. Thực hiện tốt công tác dự báo, định hướng, tư vấn và giải quyết việc làm sau đào tạo. Tăng cường mở rộng liên kết vùng để phát triển nguồn nhân lực.
Trần Quốc