Phát triển kinh tế biển chính là phát triển kinh tế của cả tỉnh

25/08/2011 - 17:43
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở xã An Điền (Thạnh Phú). Ảnh: H.Hiệp

Ngày 24-8-2011, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú về tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển biển đến năm 2020. Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Thành Hạo - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động của Tỉnh ủy về Chiến lược biển, các địa phương đã cụ thể hóa thành chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội các huyện vùng biển. Cụ thể, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 37.715ha, chiếm 88,8% tổng diện tích thủy sản toàn tỉnh và đạt 75,4%, so mục tiêu năm 2020 của Chiến lược, tổng sản lượng đạt 72,5% so mục tiêu Chiến lược. Tổng số tàu thuyền đăng ký hoạt động là 4.279 chiếc, cao hơn mục tiêu Chiến lược 52,5%. Tàu khai thác xa bờ là 1.549 chiếc, đạt 110,5% so Chiến lược. Tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 16,6%/năm, trong đó Ba Tri tăng 7,3%, Bình Đại tăng 19,7%, Thạnh Phú tăng 12,4%. Chỉ trong 2 năm 2009-2010 trên địa bàn 3 huyện biển có 176 doanh nghiệp, cơ sở được thành lập mới, nâng tổng số lên 3.341 cơ sở, giải quyết việc làm cho 17.780 lao động. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 72,2%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 30%. Các huyện cũng đã xây dựng qui hoạch cụm công nghiệp, tạo quỹ đất kêu gọi đầu tư. Việc xây dựng và phát triển làng nghề có nhiều khởi sắc. Hoạt động thương mại - dịch vụ tăng trưởng nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 2.913 tỷ đồng, tăng bình quân 14,63% năm. Du lịch phát triển khá, lượng khách từ 96.616 lượt (năm 2008) tăng lên 130.500 lượt (năm 2010). Các lĩnh vực khác như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, thông tin liên lạc, phát triển đô thị, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội... phát triển đồng bộ, hiệu quả. Tuy cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng vẫn còn chậm, giá trị công nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ, sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa bền vững. Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản phát triển nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ môi trường, dịch bệnh. Mối liên kết của quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn có tập trung nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế vùng ven biển còn hạn chế, chưa khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh, nhất là việc kêu gọi đầu tư ngoài tỉnh. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chậm phát triển các khu đô thị, cụm công nghiệp. Đặc biệt, việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược biển còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa tạo bước đột phá để khai thác hết tiềm năng thế mạnh từng huyện.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận, kinh tế ba huyện biển bước đầu chuyển dịch đúng hướng, phát triển khá tốt, bình quân GDP đạt 12,95%/năm (so đề án 11,7%); thu nhập bình quân từ 14,49 triệu đồng/người (năm 2008) lên 17,7 triệu đồng/người (năm 2010). Một số dự án giao thông, thủy lợi, khu đô thị, cảng cá triển khai nhanh, hiệu quả… Tuy nhiên, xét về tiến độ tổ chức thực hiện 7 chương trình trong Đề án phát triển toàn diện 3 huyện ven biển một số địa phương thực hiện còn chậm, chưa đều khắp. Do lồng ghép các chỉ tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, nên các huyện chưa xác định rõ lĩnh vực ưu tiên để tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực thi, thiếu sự phân công trách nhiệm, phân kỳ cụ thể nên công tác kiểm tra thực hiện thiếu tập trung, chưa có giải pháp tốt để phát huy nội lực từng đơn vị. Đối với những công việc cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, ngoài các giải pháp mà UBND tỉnh và ba huyện đã nêu, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh thêm: Các huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức học tập sâu rộng trong nội bộ Đảng và nhân dân về vai trò, tiềm năng kinh tế biển, nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong khai thác, phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và nước bạn. Việc trồng rừng và bảo vệ rừng phải được xem là một trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc - phòng của mỗi địa phương. Từng huyện phải xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế biển thật cụ thể, sát tình hình thực tế địa phương, trong đó có nghiên cứu xác định thế mạnh kinh tế để có kế hoạch triển khai thực hiện, tạo bước đột phá. Trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, dựa trên nội dung Đề án phát triển toàn diện ba huyện ven biển, các huyện phải có kế hoạch, chỉ tiêu, giải pháp triển khai thực hiện cụ thể, khả thi, trong đó chú ý đến việc đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế ven biển. Phải xem nhiệm vụ phát triển kinh tế biển cũng chính là phát triển kinh tế của cả tỉnh. Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hoạt động và mở rộng hệ thống các cảng cá. Thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ ngư dân, giúp ngư dân áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, đánh bắt. Riêng lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch, ba huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú cần phối hợp chặt với ngành chủ quản để có những chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện. Tập trung thực hiện hiệu quả việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh...

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN