Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030

03/08/2020 - 06:49

BDK - Thực hiện Quyết định số 1212-QĐ/TU ngày 7-7-2020 của Tỉnh ủy về việc thành lập các tổ công tác xây dựng văn bản cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Công văn số 3447/UBND-KT ngày 10-7-2020 của UBND tỉnh về việc xây dựng văn bản cụ thể hóa NQĐH XI của Tổ công tác số 3, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã khẩn trương xây dựng đề án: “Phát triển KH&CN tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030” theo phương châm: “Chuẩn mực - Chặt chẽ - Chắc chắn - Chính xác”. Đây là một trong 18 văn bản cụ thể hóa thực hiện NQĐH XI Đảng bộ tỉnh.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến các ngành. Ảnh: Đặng Cử

Đề án xây dựng dựa trên cơ sở các dự thảo: NQĐH XI Đảng bộ tỉnh, Tầm nhìn chiến lược tỉnh Bến Tre đến năm 2045, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời kỳ 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển KH, CN Việt Nam đến năm 2030…; đề tài nghiên cứu “Đánh giá việc thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020; cung cấp luận cứ, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm góp phần xây dựng NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025” và các báo cáo chuyên ngành KH&CN tỉnh.

Nội dung dự thảo Đề án xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về KH&CN và đổi mới sáng tạo là giải pháp động lực với một số nội dung chính gồm:

Phát triển mạnh KH&CN, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; chú trọng tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để KH&CN và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các chính sách và thể chế đột phá cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, CN mới; xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành, địa phương.

Phát triển công nghiệp trên cơ sở đổi mới CN; tạo bước tiến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của một số ngành và sản phẩm công nghiệp; tăng nhanh hàm lượng CN, giảm mức tiêu hao năng lượng và vật tư nguyên liệu trong sản phẩm.

Thực hiện đồng bộ việc nâng cao năng lực KH&CN có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ về cơ sở vật chất và nhân lực gắn với việc nâng cao hiệu quả sử dụng đổi mới mạnh mẽ tổ chức, cơ chế quản lý nhà nước và cơ chể hoạt động KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng làm chủ đạo; đẩy mạnh phát triển thị trường CN, hình thành cơ chế liên kết hữu cơ, cùng có lợi giữa KH&CN với đào tạo và sản xuất, kinh doanh.

Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào CN mới, CN cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao mà địa phương có thế mạnh.

Tiếp tục ưu tiên phát triển CN cao, đồng thời sử dụng; hợp lý CN sử dụng nhiều lao động để chủ động ứng phó với các cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); hình thành một số cơ sở nghiên cứu triển khai mạnh gắn với các cơ sở sản xuất, đủ sức tiếp thu, cải tiến CN tiên tiến và sáng tạo CN mới.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới, kinh tế số, xã hội số; làm chủ CN đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Khi đề án được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ là văn bản quan trọng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN và doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Dự thảo đề án đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ KH, CN và đổi mới sáng tạo với 34 đầu việc trọng tâm thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 như: truyền thông KH&CN, nghiên cứu ứng dụng KH&CN, phát triển CN, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dịch vụ KH&CN, nguồn nhân lực KH&CN, đổi mới cơ chế quản lý, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN, tăng cường tiềm lực hạ tầng KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Đặng Văn Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN