Phát triển hiệu quả nghề làm cây giống

24/08/2020 - 06:46

BDK - Nghề làm cây giống được xem là nghề truyền thống của huyện Chợ Lách. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, diện tích sản xuất cây giống trên địa bàn huyên hiện khoảng 1,6 ngàn héc-ta, sản xuất trung bình khoảng 40 triệu sản phẩm/năm. Nhãn hiệu cây giống Cái Mơn từ lâu được xem là bảo chứng cho chất lượng. Để đưa nghề làm cây giống Chợ Lách phát triển theo hướng hiện đại cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Sản xuất hoa kiểng, cây giống là kinh tế chính của lao động nông thôn ở huyện Chợ Lách. 

Xu hướng phát triển mới

Đánh giá qua nhiệm kỳ 2015 - 2020, nông nghiệp huyện có sự phát triển đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuỗi sản phẩm nông nghiệp. Sản xuất, kinh doanh cây giống và hoa kiểng có sự tăng nhanh về số lượng và diện tích. Thị trường cây giống cũng phát triển ngày càng mở rộng, không chỉ các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh miền Bắc, nước ngoài như Lào, Campuchia...

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đánh giá: Sản xuất giống cây ăn trái có xu hướng tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm nông nghiệp cùng với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sắp xếp lại sản xuất tập trung cho các loại cây trái chủ lực, hiệu quả cao là những yếu tố cho thấy nghề làm cây giống vẫn có xu hướng phát triển.

Sau hạn mặn mùa khô 2019-2020, người dân Chợ Lách chuyển hướng sang sản xuất cây giống rất nhiều vì là dạng cây ngắn ngày, chỉ khoảng 4 tháng sản xuất là có thể xuất bán, nhanh cho thu nhập. Bối cảnh trên cho thấy, số lượng sản xuất cây giống trên địa bàn huyện sẽ tăng nhanh.

Đưa cây giống lên sàn thương mại điện tử

Việc sản xuất cây giống rầm rộ đặt ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách trước thực trạng cần phải siết lại các yếu tố chất lượng và danh hiệu cây giống của huyện. Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết, sản xuất cây giống trong bối cảnh đạt chất lượng mới cần những yếu tố: tuân thủ luật trồng trọt và bảo vệ thực vật; phải có đầy đủ nguồn giống tốt, đạt yêu cầu để sản xuất; cần ứng dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất và có hệ thống phân phối hợp lý, hiện đại, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, hợp tác sản xuất.

Ngành nông nghiệp huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp như: hỗ trợ nông dân phát triển, bình chọn, đăng ký cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, tập huấn cấp giấy chứng nhận tay nghề sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất cây giống, hướng dẫn công bố tiêu chuẩn chất lượng...

Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, có hai hướng là nhập nội giống tốt, chọn lọc giống tốt trong tự nhiên và tiến hành lai tạo. Huyện chú trọng việc phát triển cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng để sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng. Nhiều cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn huyện hiện nay đã và đang thực hiện đăng ký sở hữu vườn cây đầu dòng các loại như: sầu riêng, chôm chôm, mít, nhãn... Trên địa bàn huyện đến nay có khoảng 28 cây đầu dòng, 90 vườn cây đầu dòng được chứng nhận, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cung cấp mắt ghép sản xuất khoảng 40 triệu sản phẩm cây giống.

Việc siết lại chất lượng cây giống cũng như thực hiện các quy định pháp luật về giống cây trồng là tiền đề để bảo vệ nhãn hiệu cây giống cũng như danh tiếng cây giống Cái Mơn bấy lâu nay. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho nông dân, các cơ sở sản xuất cây giống thực hiện đăng ký nhãn hiệu và bảo vệ nhãn hiệu của mình. Đồng thời, trong bối cảnh phát triển kinh tế mới, huyện Chợ Lách cũng đặt mục tiêu phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử về cây giống để tăng giá trị sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, tạo bước đột phá trong nông nghiệp.

Bài, ảnh: T. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN