Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái tại Du lịch Lan Vương, TP. Bến Tre.
Khai thác tiềm năng
Bến Tre là tỉnh được tạo thành và bao bọc bởi 4 con sông lớn thuộc hệ thống sông Mekong và 65km chiều dài đường bờ biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt, nhiều bãi bồi, cồn nổi. Với vị thế đó, nền sản xuất NN của tỉnh rất đa dạng, có vườn cây ăn trái phong phú, nhiều làng nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng, nhiều làng nghề truyền thống và nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, con người hiền hòa và hiếu khách, nét văn hóa mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ.
Toàn tỉnh hiện có 57 làng nghề (trong đó có 39 làng nghề NN, 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp) đã được UBND tỉnh quyết định công nhận. Các làng nghề đang được quan tâm khai thác để phục vụ khách tham quan DL như: sản xuất cây giống, hoa kiểng, chế biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa, bánh tráng, bánh phồng… Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 154 sản phẩm đạt 3 sao, 86 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 5 sao với 105 chủ thể OCOP. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của tỉnh như: bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, trái cây sấy, mật ong, tôm khô, cá khô, rượu… Đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ dừa rất được sự quan tâm và đón nhận của du khách. Trong năm 2022, ngành NN đã tham mưu UBND tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ DL cộng đồng và điểm DL gồm: Dịch vụ lưu trú DL La Villa De CoCo của Công ty TNHH La Villa De CoCo thuộc xã Phú Túc, huyện Châu Thành và Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ của Công ty TNHH DL Sinh thái Hải Vân thuộc xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri.
Trong vài năm gần đây, DL sinh thái NN tại tỉnh được quan tâm, phát triển với nhiều loại hình, sản phẩm đang được khai thác như: tham quan các vườn cây ăn trái, vườn dừa, vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng, tham quan các mô hình NN ứng dụng công nghệ cao… Trong đó, DL biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng là một trong những loại hình DLNN được du khách quan tâm.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển của tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển DL, với diện tích đất có rừng khoảng 4.224ha, tập trung tại các xã thuộc 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Vùng ven biển của tỉnh có những bãi biển mang nét nguyên sơ, có các cồn và rừng ngập mặn, hệ thống sông rạch chia cắt tạo nên các cồn phía trong tạo ra khung cảnh thiên nhiên đẹp mắt. Với không gian yên tĩnh, không khí trong lành, người dân địa phương hiếu khách cùng nhiều sản vật địa phương cung cấp tại chỗ cho du khách như: tôm, cua, cá, hàu, sò, trái cây… Tỉnh hứa hẹn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình DL nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên rừng ngập mặn, tìm hiểu văn hóa địa phương và hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho những nhà khoa học, học sinh, sinh viên có đam mê nghiên cứu về đất ngập nước.
Giải pháp trong thời gian tới
Phát triển NN gắn với DL là một nội dung quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển DL chung của tỉnh trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2025, DL trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Đồng thời, góp phần thực hiện Chương trình phát triển DL nông thôn thuộc “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” và đưa mô hình NN gắn với DL ngày càng phát triển một cách hiệu quả, bền vững.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, sắp tới, ngành NN sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển NN gắn với DL. Nghiên cứu tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển DL, có cơ chế chính sách đặc thù ưu tiên cho loại hình DLNN, các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, liên kết thị trường, hạ tầng giao thông để khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án quy mô lớn, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ phát triển DL. Đa dạng và phát triển nhiều loại hình DL, sản phẩm DLNN mang nét đặc trưng, độc đáo riêng của địa phương.
Liên kết vùng trong phát triển DLNN, nông thôn để du khách có thể lựa chọn, đa dạng hóa trải nghiệm, có thể ở nhiều quy mô khác nhau như: liên kết giữa điểm, khu DL trong phạm vi xã, huyện, tỉnh; liên kết vùng trong phạm vi nhiều tỉnh với nhiều tour, tuyến khác nhau để làm phong phú thêm chương trình DL, thu hút du khách.
“Các địa phương, chủ thể sản xuất cần quan tâm việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với nhóm sản phẩm dịch vụ DL cộng đồng và điểm DL được ban hành theo Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ DL, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, các hộ dân làm DLNN, nông thôn. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên DL; tuyên truyền, tư vấn việc làm DL cho người dân nông thôn”.
(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)
|
Bài, ảnh: Huyền Thu