Phát triển du lịch sinh thái gắn cộng đồng dân cư

28/11/2018 - 08:02

BDK - Trong làm du lịch, nhất là đối với du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái, vai trò của cộng đồng dân cư có ý nghĩa rất lớn bởi cái du khách cần không chỉ là dịch vụ tại một điểm du lịch mà còn là trải nghiệm và cảm nhận về cộng đồng dân cư tại địa phương đó.

Nhà vườn hướng dẫn du khách tham quan vườn hoa kiểng.

Trải nghiệm văn hóa từ cộng đồng dân cư

Ông Huỳnh Minh Ý - chủ homestay Quốc Phương (huyện Châu Thành) cho rằng, nhu cầu của du khách khi đi du lịch không chỉ là ăn, nghỉ mà chủ yếu muốn trải nghiệm văn hóa, đời sống của con người tại địa phương. Đến ở homestay, khách thích tìm hiểu về môi trường xung quanh, hàng xóm láng giềng của chủ homestay đó nữa.

Như kinh nghiệm của điểm homestay Duyên Quê (xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) từng chia sẻ, khách du lịch đi theo loại hình homestay rất thích được trải nghiệm văn hóa địa phương như các món ăn dân dã, nếp sống thường ngày, các mối quan hệ xã hội, họ hàng, phong tục tập quán... Và cộng đồng dân cư xung quanh homestay chính là đối tượng gần gũi nhất để họ tìm hiểu, thông qua đó hiểu biết hơn, cũng như hình thành ấn tượng về đất nước, con người của địa phương, mở rộng ra là của đất nước.

“Chính vì vậy, mình không thể chỉ tập trung làm phần cứng là cơ sở vật chất nơi ngôi nhà lưu trú. Nếu hộ kinh doanh homestay làm mọi cách để hoàn thiện trong khuôn viên, cảnh quan homestay của mình thôi mà khu vực xung quanh vẫn còn tình trạng ô nhiễm, rác thải, đặc biệt là tiếng ồn thì du lịch homestay nơi đó cũng không thành công”, ông Huỳnh Minh Ý nêu ý kiến.

Vấn đề rác thải trong môi trường và tiếng ồn là điều được nhiều chủ homestay trên địa bàn tỉnh phản ánh và cho rằng đấy là yếu tố phá hoại môi trường du lịch. “Dù chúng ta làm homestay có đầu tư cỡ nào, làm đẹp, làm tốt cỡ nào mà người dân xung quanh không ý thức, bỏ rác bừa bãi, hát karaoke, nhạc sống ồn ào thì cũng gây ảnh hưởng rất nhiều đến du khách. Điều này chủ hộ homestay không thể can thiệp, giải quyết được mà cần ngành chức năng, chính quyền địa phương can thiệp, xử lý”, một chủ điểm du lịch homestay bức xúc.

Gắn kết lợi ích với cộng đồng dân cư

Ghi nhận tại một số điểm du lịch sinh thái ở Chợ Lách cho thấy, hiện họ còn gặp khó trong liên kết với các chủ vườn trái cây trong khu vực để đưa khách đến tham quan. “Mình đứng bên này nhìn qua thấy chôm chôm bên vườn kia chín đỏ cây mà không đưa khách qua được thì tiếc lắm. Còn nhiều vấn đề trong thuyết phục, vận động cộng đồng cùng tham gia mà mình cần làm nếu muốn phát triển điểm du lịch của mình một cách bài bản hơn”, một chủ điểm du lịch sinh thái cho biết. Vấn đề này liên quan đến công tác tổ chức, hướng dẫn cách làm du lịch cộng đồng một cách bài bản để đạt hiệu quả.

Đánh xe ngựa cho các điểm du lịch là một trong những nghề mang đến thu nhập cho người dân địa phương.

Thông qua các hoạt động cụ thể tại các điểm du lịch, doanh nghiệp cùng với chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp cho cộng đồng hiểu được lợi ích từ làm du lịch để họ đồng lòng ủng hộ. Là một người có nhiều kinh nghiệm trong làm du lịch homestay tại cù lao An Bình, Vĩnh Long, bà Phạm Thị Ngọc Trinh - chủ Homestay Út Trinh nhận định: “Cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Nếu như cộng đồng không ủng hộ chúng ta thì không thể thành công được”.

Chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng của mình, bà Ngọc Trinh cho biết, cách làm của Homestay Út Trinh là gắn kết lợi ích của mình với lợi ích của cộng đồng. Điểm du lịch tạo việc làm cho người dân tại địa phương, giúp bà con có thu nhập ổn định, hợp lý. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trong giữ gìn, bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng tại địa phương thông qua các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội. Với cách làm này, nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, cụ thể như điểm du lịch Du thuyền Xoài - Mango Home Riverside (huyện Giồng Trôm) đã có được sự ủng hộ của cộng đồng địa phương khi để chính người dân địa phương cùng tham gia làm du lịch.

Du lịch cộng đồng, cùng với du lịch sinh thái, những loại hình du lịch mà tỉnh xác định là trọng tâm để tập trung phát triển. Nếu du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi thì du lịch sinh thái lại dựa vào thiên nhiên và gắn với bản sắc văn hóa và có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Có thể nói, dù khai thác du lịch theo hình thức nào thì sự ủng hộ, ý thức của cộng đồng dân cư đều được coi là yếu tố quyết định sự thành bại.

Điều 19, Luật Du lịch năm 2017 về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng có quy định: “Cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển du lịch cộng đồng được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống; hướng dẫn du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch… Tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm tôn trọng văn hóa, nếp sống và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng”.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN