Du khách nước ngoài trải nghiệm nghề dệt chiếu tại xã nông thôn mới nâng cao Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre.
Khi nông dân làm du lịch
Mới sáng sớm, ông Huỳnh Văn Mười (chủ Homestay Mười Nở, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) đã tất bật cùng vợ con lo tiếp 3 nhóm với 12 khách DL người nước ngoài đến ăn uống, nghỉ ngơi. Ông Mười là một trong những nông dân đầu tiên ở xã NTM nâng cao Nhơn Thạnh chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm DL. Gia đình ông trước đây chuyên trồng lát dệt chiếu rồi chuyển qua trồng bưởi, dừa với diện tích 8.000m2 đất. Năm 2011, khi thấy khách DL đến đây tham quan nghề dệt chiếu, ngắm cảnh cây trái miệt vườn nên ông có ý tưởng cải tạo vườn cho sạch đẹp, sửa lại căn nhà gỗ để đón khách.
Ông Mười cho biết: “Tôi chỉ học lớp 7 trường làng và là nông dân suốt ngày quen với việc đồng áng nên chuyển qua làm DL phải học tất cả mọi thứ từ cách tiếp khách, tiếng Anh giao tiếp vài câu đơn giản tới chế biến món ăn… Nhờ bán cho khách DL nên giá trị nông sản của tôi “xuất khẩu” tại chỗ gấp 3 lần so với bán cho thương lái. Toàn bộ diện tích đất làm DL cho khách nghỉ ngơi cũng tăng gấp mười lần so với sản xuất nông nghiệp trước đây”.
Địa điểm Homestay Mười Nở mang đặc trưng của nông dân với vườn cây dừa rợp bóng mát, 11 phòng nghỉ bằng lá, vách gỗ mang đặc trưng của miền quê. Khách DL nước ngoài đến đây sẽ được thưởng thức đặc sản uống nước dừa xiêm, ăn cá, tôm thiên nhiên và được tham quan sông nước bằng xuồng…
Gia đình bà Đào Thị Mỹ Lệ (40 tuổi, ngụ Ấp 3, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) có 4 đời làm nghề dệt chiếu. Cả làng nghề dệt chiếu trên trăm năm với hơn 90 hộ đóng cửa gần hết do nhiều nguyên nhân của cơ chế thị trường. May nhờ sự phát triển của DL nên gia đình bà cố gắng giữ nghề truyền thống. Bà Lệ cho biết: “Cả làng nghề này giờ chỉ còn 2 hộ chuyên dệt chiếu theo kiểu truyền thống vì phải mua nguyên liệu từ nơi khác, đầu ra hạn chế nên thợ dệt thu nhập rất thấp. Nhờ có khách DL đến tham quan, trải nghiệm và mua quà lưu niệm nên giữ được nghề truyền thống này để vừa bán được sản phẩm vừa phục vụ khách DL”.
Khách DL đến xã NTM nâng cao Nhơn Thạnh rất thích thú khi tham gia trải nghiệm cùng nông dân. Lợi thế phát triển khách DL ở địa phương nhờ vào các giá trị văn hóa, tập quán của người dân. Tại đây, du khách được trải nghiệm làm nông dân khi tham gia vào những hoạt động thường ngày của gia chủ, đi chợ quê, tham quan làng nghề dệt chiếu truyền thống, tát mương bắt cá, chèo xuồng trong rạch dừa nước, làm bánh, nghe đờn ca tài tử… Du khách Jennifer Homer (đến từ nước Anh) dừng chân, ăn uống tại Homestay Mười Nở cho biết: “Hai vợ chồng tôi lần đầu tiên đến Việt Nam và có chuyến trải nghiệm tại đây thật thú vị. Nơi đây khác nhiều so với các thành phố lớn đông đúc khi được đi thuyền ngắm cảnh sông nước, làng nghề truyền thống, không khí trong lành của làng quê. Con người nơi đây cũng rất thân thiện nên tạo cảm giác thoải mái cho du khách”.
Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Thạnh Đặng Thanh Tùng cho biết: “DL tại địa phương phát triển từ năm 2008 với việc hình thành các homestay, điểm dừng chân phục vụ du khách. Hiện tại, địa phương có hơn chục điểm dừng chân, cơ sở lưu trú có thể phục vụ 1.500 lượt khách tham quan/ngày và 250 khách lưu trú/ngày. Trong thời gian tới, địa phương khuyến khích các hộ dân trồng lát để tạo điều kiện duy trì làng nghề dệt chiếu; kiểm tra cơ sở vật chất các bến xuồng để bảo đảm an toàn cho du khách; tranh thủ các sự kiện văn hóa của tỉnh để quảng bá sản phẩm DL của địa phương. Đồng thời, tuyên truyền thay đổi nhận thức để mỗi người dân địa phương thân thiện, mến khách, lịch sự, ứng xử văn hóa, biết giữ gìn môi trường sạch đẹp… để thu hút khách DL”.
Tạo việc làm cho lao động nông thôn
Tại khu vực Cồn Phụng, ấp Tân Vinh, xã Tân Thạch (Châu Thành), nhiều hộ dân có việc làm ổn định từ sự phát triển của DL. Gia đình chị Lê Thị Diễm Hương (ngụ ấp Tân Vinh) đến khu DL Cồn Phụng làm việc với mức lương ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chị Hương cho biết: “Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi xin vào làm việc tại khu DL này hơn 4 năm nay với công việc ở khu vực bán nước giải khát, bán vé dịch vụ mát-sa cá… Gia đình tôi có 4 người thì có 3 người làm việc liên quan đến DL tại Cồn Phụng. Nhờ phát triển DL, tôi và nhiều người đây có việc làm ổn định để lo cho cuộc sống”.
Du khách nước ngoài tham quan nghề dệt chiếu tại xã nông thôn mới nâng cao Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre.
Ông Nguyễn Văn Thái, 48 tuổi, ngụ xã Lương Hòa (Giồng Trôm) có công việc ổn định tại khu DL Cồn Phụng. Ông Thái cho biết: “Tôi đến đây làm việc được gần 5 năm với thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, công việc của tôi là chăm sóc hoa, cây kiểng để phục vụ khách DL đến đây tham quan, ngắm cảnh”. Hiện tại, khu DL Cồn Phụng tạo việc làm ổn định cho khoảng 60 lao động tại địa phương và các xã lân cận. Người lao động làm việc trong nhiều lĩnh vực: chăm sóc cây kiểng, dọn dẹp vệ sinh, bán hàng, tiếp viên phục vụ, hướng dẫn viên… có thu nhập tương đối ổn định nhờ sự phát triển của DL.
Trưởng ấp Tân Vinh (xã Tân Thạch) Lê văn Phẩm cho biết: “Địa bàn ấp có 210 hộ dân với 875 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu làm vườn và làm việc liên quan tới ngành DL. Trong đó, khoảng 30% số người trong độ tuổi lao động có việc làm liên quan đến ngành DL với các công việc như: nhân viên tại 2 khu DL, lái đò cho khách DL tham quan, bán hàng lưu niệm, gia công kẹo dừa, gia công hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách DL… với thu nhập rất ổn định. Sau dịch Covid-19 đến nay, ngành DL bắt đầu phục hồi nên tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động ở nông thôn”.
Phát triển DL đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của TP. Bến Tre, với lợi thế đặc điểm là nửa đô thị, nửa nông thôn, bên cạnh việc phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ DL tại đô thị, TP. Bến Tre còn phát triển DL nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Bến Tre Nguyễn Văn Thương cho biết: “DL nông thôn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế của các xã NTM như giúp tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và bán các sản phẩm địa phương, cung cấp các dịch vụ DL… Những hoạt động này giúp nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương”.
“Diện mạo làng quê thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi phát triển DL nông thôn ở các xã NTM, các cơ sở hạ tầng DL được xây dựng như: giao thông nông thôn được nâng cấp và mở rộng, các bãi xe, bến tàu phục vụ việc đưa đón khách được xây dựng, các homestay, nhà hàng và các tiện ích khác được hình thành nhưng vẫn giữ được mảng xanh, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc phát triển DL cũng có thể góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nông thôn. Các làng quê truyền thống có thể được giữ nguyên những nét đẹp vốn có, như kiến trúc, ẩm thực, văn hóa dân tộc…”.
(Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Bến Tre Nguyễn Văn Thương)
|
Bài, ảnh: Hoàng Trung